Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ban hành các giả pháp hướng dẫn các biện pháp phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão, cụ thể:
Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nhưng còn khả năng phục hồi
Hệ thống lồng bè bị hư hại nhẹ, lồng bè bị móp, méo, vật nuôi thuỷ sản sinh trưởng và phát triển bình thường, áp dụng ngay các biện pháp sau đây:
- Bước 1: Kiểm tra, sửa chữa, gia cố, vệ sinh lại hệ thống dây neo, phao, lồng lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
- Bước 2: Vớt cá chết và rác thải nếu có. Lưu ý, thu gon và xử lý rác đúng nơi quy định
- Bước 3: Di chuyển lồng, bè về lại vùng nuôi (nếu trước bão phải di chuyển lồng, bè để tránh bão).
Nếu loài nuôi thuỷ sản đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch sớm để giảm thiệt hại. Thường xuyên theo dõi thủy triều, mức nước, màu nước, các yếu tố môi trường đảm bảo nhiệt độ từ 25 - 30 độ C; pH từ 6,5 – 8,0; oxy hòa tan ≥ 4mg/l
- Bước 4: Treo các túi vôi (15 - 20kg/túi) quanh các góc của lồng nuôi để vừa giúp ổn định các góc của lồng lưới, vừa giúp ổn định môi trường nước, phòng một số bệnh thường gặp trên thuỷ sản nuôi lồng bè.
- Bước 5: Sau 1 - 2 ngày bão tan, sức khoẻ loài nuôi ổn định tiến hành cho ăn từ từ, tăng dần cho đến khi sức khoẻ của thủy sản nuôi trở lại bình thường.
Lưu ý, cần bổ sung thêm men vi sinh hỗ trợ tiêu hoá, vitamin B1, B3, B6 để giúp tăng sức đề kháng cho thuỷ sản nuôi.
- Bước 6: Phòng bệnh cho động vật nuôi thủy sản mùa mưa bão.
+ Thường xuyên quan sát tình trạng sức khoẻ của vật nuôi. Nếu điều kiện môi trường bất lợi cần dùng máy bơm tạo dòng chảy mạnh hoặc máy thổi khí để tăng oxy, giảm lượng thức ăn, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ.
+ Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C, khoáng, men vi sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày để cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn
- Nhà ở, khung lồng bị gãy, lưới rách, phao, vật nuôi thuỷ sản bị cuốn trôi, chết hoàn toàn, cần tiến hành thu gom lại toàn bộ lồng bè hư hỏng để phân loại, tận dụng lại những thứ còn sử dụng được. Không để rác thải trôi nổi trên biển gây ô nhiễm môi trường.
- Vật nuôi thuỷ sản bị chết cần được thu gom và xử lý kịp thời, không để lây lan dịch bệnh, ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Khung cảnh hoang tàn tại khu vực nuôi thả lồng bè ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: cand.com.vn
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình về việc khẩn trương tổ chức các giải pháp khôi phục sản xuất sau bão, cụ thể:
- Tổ chức thu gom, xử lý rác thải, chất thải, thủy sản chết theo quy định. Đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi bão số 3, đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản trên biển.
- Tổ chức thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, tổng hợp nhu cầu, hỗ trợ thiệt hại kịp thời người nuôi trồng thủy sản, xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục, phát triển nuôi trồng thủy sản sau bão phù hợp với điều kiện địa phương (kế hoạch sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, gia cố ao đầm, lồng bè…).
- Hướng dẫn kỹ thuật phục hồi, chăm sóc sức khỏe đàn thủy sản nuôi còn lại sau bão, đồng thời hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản tu sửa, khôi phục hệ thống lồng, bè (lưu ý sử dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt trên biển), ao đầm nuôi trồng thủy sản, công trình phụ trợ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép..
- Tập trung quan trắc, giám sát môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do bão và kịp thời chuyển tải thông tin, khuyến cáo và hỗ trợ ngư dân trong quá trình nuôi trồng thủy sản.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và hướng dẫn các biện pháp phòng, trị bệnh trên động vật thủy sản.