Thiệt hại do thời tiết
Mới đây, khi đến vùng đìa thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), chúng tôi bắt gặp các hộ nuôi ốc hương đang tất bật đánh khoáng xuống ao nuôi để tăng sức đề kháng cho ốc. Hỏi ra mới biết, trong tháng 7, do nắng nóng kéo dài, xen lẫn là những trận mưa lớn khiến ốc hương mới thả nuôi chừng 3 - 4 tháng có hiện tượng sưng vòi, chết rải rác. Ông Nguyễn Văn Tâm, người nuôi ốc hương ở Xuân Tự cho hay: “Cách đây 2 tháng, gia đình tôi thả nuôi 2,8 triệu con giống. Ốc hiện còn nhỏ, sức đề kháng yếu; trong khi mưa nắng thất thường những ngày qua khiến tôi đứng ngồi không yên. Lo nhất là mưa xuống ốc bị nước bạc, sưng vòi, đơ mày, tỷ lệ hao hụt sẽ rất lớn”.
Ông Trần Văn Tiến, người nuôi ốc hương ở địa phương cho hay, qua mấy trận mưa cuối tháng 7, đìa ốc 2 triệu con giống của gia đình ông thả nuôi được hơn 3 tháng đã xuất hiện tình trạng ốc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước. Khi lặn kiểm tra, thấy ốc chết hàng loạt ở dưới đáy đìa. “Những ngày trước nắng nóng, tôi còn phải lo thay nước liên tục, sau đó mưa xuống, ốc bị sốc thời tiết nên chết đến hơn 30%. Hiện nay, tôi đang đánh khoáng xuống ao, quạt nước liên tục để tăng sức đề kháng cho ốc”.
Ông Phan Văn Yên - cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư xã Vạn Hưng cho biết: “Trên địa bàn xã có 120ha ao đìa nuôi ốc hương, gần 30ha nuôi tôm nước lợ và một số diện tích nuôi các đối tượng thủy sản khác. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của môi trường, con giống, thức ăn và diễn biến bất thường của thời tiết nên các đối tượng nuôi bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trong tháng 7, hiện tượng trời nắng kéo dài rồi bất chợt đổ mưa lớn khiến cho ốc, tôm bị thiệt hại; riêng diện tích ốc hương bị thiệt hại do sốc thời tiết lên đến 20ha”.
Thời tiết diễn biến bất thường cũng khiến cho các hộ nuôi tôm hùm lồng ở TP. Cam Ranh hết sức lo lắng. Theo thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Ranh, thành phố có khoảng 20.000 lồng nuôi tôm hùm, tập trung tại các địa phương: Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, Cam Linh, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Lập, Cam Bình. Thời gian qua, thời tiết thay đổi bất thường, mưa nhiều, biên độ nhiệt dao động ngày đêm lớn làm sức đề kháng của tôm suy giảm dẫn đến nhiễm bệnh. Khi mưa lớn, nước tràn vào vùng nuôi gần bờ kèm theo ô nhiễm và giảm độ mặn… làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Đây là những nguyên nhân chính khiến tôm hùm nuôi ở một số khu vực tại TP. Cam Ranh bị thiệt hại thời gian qua.
Những khuyến cáo
Theo chia sẻ của ông Yên, để tránh thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, địa phương đã khuyến cáo, tuyên truyền người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, nhất là mật độ nuôi, bổ sung vitamin, khoáng vào khẩu phần ăn cho thủy sản; quản lý chặt các yếu tố môi trường trong ao nuôi…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Châu Pha - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) cho hay: “Mới đây, Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Ranh đã tổ chức tập huấn, đưa ra nhiều khuyến cáo cho các hộ nuôi tôm hùm tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh và thời tiết gây ra. Gồm các giải pháp kỹ thuật liên quan đến bảo vệ môi trường vùng nuôi; theo dõi sự phát triển của tôm; chế độ vệ sinh lồng nuôi; bổ sung khẩu phần ăn cho tôm; phác đồ điều trị bệnh cho tôm đã được hướng dẫn chi tiết đến người nuôi”.
Được biết, Tổng cục Thủy sản đã có công văn đề nghị các địa phương chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nuôi trồng thủy sản, chỉ thả giống khi điều kiện thời tiết thích hợp. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi; quan trắc cảnh báo môi trường và bệnh thủy sản, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi; tổ chức nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân bơm nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm; khuyến cáo người dân không nên nuôi thủy sản tại những nơi nguồn nước không đảm bảo chất lượng; thả giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại. Ngoài ra, người nuôi cần thực hiện tốt giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình nắng nóng, biến động thời tiết giai đoạn đầu mùa mưa để ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi như hướng dẫn của ngành Thủy sản.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cũng khuyến cáo, người dân trong quá trình nuôi cần thực hiện đúng quy hoạch của địa phương, đồng thời tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm theo thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khi thả nuôi cần đăng ký kê khai ban đầu để khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong quá trình nuôi, sử dụng các loại thức ăn, thuốc, hóa chất dùng cho thủy sản trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; khi phát hiện thủy sản bị bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, cần sớm thông báo đến các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời; cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường nuôi chung, khi thủy sản bị chết, nên thu gom xác để xử lý chứ không xả bừa bãi ra môi trường.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, tính đến tháng 7-2017, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ao đìa nước mặn, lợ toàn tỉnh hơn 2.700ha. Nhìn chung, thủy sản nuôi trồng phát triển tương đối ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tuy nhiên, vẫn có 55ha nuôi các loại thủy sản bị mất trắng do các các loại bệnh thường gặp, tác động của thời tiết, môi trường…