Hiện nay, tuy là thời điểm cuối vụ thu hoạch rau câu chỉ nhưng đi dọc bờ đầm Thủy Triều, không khó bắt gặp cảnh người dân đang khai thác rau câu. 11 giờ trưa, trời nắng gắt, nhiều hộ vẫn miệt mài phơi rau câu. Ông Hoàng Tuấn Phương (thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây) phấn khởi nói: “Trước đây, tôi làm phụ hồ cho các công trình nhưng thu nhập khá bấp bênh. Mấy tháng nay, thấy nhiều người khai thác rau câu chỉ mang lại thu nhập khá nên tôi chuyển sang nghề này. Rau câu chỉ xuất hiện tự nhiên ở đầm Thủy Triều. Tôi chỉ bỏ ra khoảng 1 triệu đồng làm bè, mua vợt… để vớt. Mỗi ngày, vợ chồng tôi khai thác được 10 tạ rau câu tươi, phơi khô còn được 2 tạ. Với giá bán 4.800 đồng/kg, trừ chi phí, tôi kiếm được gần 1 triệu đồng. Điều đáng mừng là thu hoạch tới đâu, người ta mua hết tới đó”.
Có thâm niên hơn 20 năm khai thác rau câu, vợ chồng ông Trần Văn Khương (thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa) xem nghề này là nghề chính để mưu sinh. Ông Khương cho biết: “Vợ chồng tôi khai thác ngày nhiều nhất được 4 tạ rau câu khô, ngày ít khoảng 1,8 tạ, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Rau câu chỉ dễ nuôi nên sau mỗi mùa thu hoạch tôm (khoảng tháng 10 âm lịch), tôi bắt đầu thả xen canh rau câu trong đìa, vài tháng có thể thu hoạch. Với diện tích 5ha, tôi đã thu 9 tấn rau câu khô”.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, toàn xã có hơn 30 hộ khai thác rau câu chỉ ở đầm. Trong đó, tập trung ở thôn Bắc Vĩnh và Tân Hải. Đa số những người làm nghề này thường đánh bắt cá trên đầm hoặc không có việc làm ổn định. Năm nay, mưa nhiều nên rau câu phát triển nhiều hơn năm ngoái. Với giá bán 4.800 - 5.000 đồng/kg khô (cao hơn 1.500 đồng/kg so với năm trước), một người khai thác rau câu chỉ có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, nghề này chỉ khai thác được 5 - 6 tháng, trong đó tập trung từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch…
Được biết, các hộ khai thác rau câu chỉ tập trung chủ yếu ở các xã: Cam Hải Tây, Cam Hòa, Cam Thành Bắc và ven đầm Thủy Triều. Rau câu chỉ có sợi mảnh như sợi chỉ, vớt lên phải phơi từ 1 đến 2 nắng cho khô rồi mới bán. Mặt hàng này tiêu thụ ở Bình Định, Hải Phòng và một số tỉnh khác. Bà Nguyễn Thị Nga - người chuyên thu mua rau câu hơn 10 năm ở xã Cam Hòa cho biết, rau câu chỉ dùng làm thạch rau câu, nước giải khát… Thời gian qua, nhiều người đến các điểm thu mua để đặt hàng với số lượng lớn. Từ tháng Giêng đến nay, bà thu mua hơn 5 - 6 tấn rau câu khô/ngày. Số lượng người đi khai thác rau câu chỉ cũng nhiều hơn gấp đôi so với năm trước. Mặt khác, năm nay, do các tỉnh khác mất mùa rau câu chỉ nên giá bán cao hơn so với năm ngoái.
Theo khuyến cáo của lãnh đạo Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm, người dân không nên khai thác rau câu chỉ quá mức, chỉ nên khai thác đúng thời điểm nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân nên nuôi xen canh rau câu chỉ trong các đìa để đảm bảo ổn định môi trường sinh thái vùng nuôi.