Ông Nguyễn Thành Phước - chủ tàu cá KH96445 TS (Hòn Rớ, xã Phước Đồng) tỏ rõ niềm vui khi được thực hiện chuỗi khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ. Trung bình mỗi chuyến biển, tàu của gia đình ông đánh bắt được trên dưới 30 con, tương đương 1,5 tấn cá. Thời điểm hiện tại, giá thị trường khoảng 108.000 đồng/kg, nhưng khi thu mua, Công ty TNHH Thịnh Hưng hỗ trợ thêm 2.000 đồng/kg nhờ cá bảo quản tốt. Theo tính toán của ông Phước, sau khi trừ chi phí, tàu ông lãi được khoảng 100 triệu đồng/chuyến. “Trước đây, ngư dân đánh bắt cá ngừ không chú trọng đến khâu sơ chế, bảo quản cá, nên chất lượng sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu của DN; việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu dựa vào thương lái nên giá cá rất bấp bênh”, ông Phước chia sẻ.
Ông Trần Văn Đạt - Tổ trưởng Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng cho biết: “Trong 6 tháng triển khai, thành viên tổ hợp tác đã thực hiện được 324 chuyến biển, sản lượng khai thác bình quân đạt 1,5 tấn/tàu/chuyến. Tham gia chuỗi liên kết, ngư dân được hỗ trợ, hướng dẫn nhằm nâng cao trình độ khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm; có đầu ra ổn định nhờ DN cam kết bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, ngoài thu mua theo giá thị trường, DN còn hỗ trợ thêm 2.000 đồng/kg cho toàn bộ lô cá ngừ sau khai thác có 10% số sản phẩm đạt loại A (tiêu chuẩn hàng Bay hoặc Fillet), được khen thưởng đột xuất… Điều này đã khuyến khích ngư dân tham gia vào chuỗi liên kết; ngày đầu mới hình thành chuỗi chỉ có 40 tàu tham gia, hiện nay đã tăng lên hơn 60 tàu”.
Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty TNHH Thịnh Hưng, mô hình chuỗi liên kết giữa đơn vị với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ. Trong số 486 tấn cá ngừ ngư dân tham gia chuỗi khai thác được, có đến 95% đạt chất lượng, trong đó có 30% đạt loại A. Để khuyến khích ngư dân trong chuỗi nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, công ty đã khen thưởng 6 đợt cho 18 chủ tàu có sản lượng, chất lượng đạt cao nhất. Mới đây, công ty đã xét thưởng cho 3 chủ tàu cá xếp loại sản lượng, chất lượng cá tốt nhất sau 6 tháng tham gia chuỗi. Nhờ thực hiện chuỗi liên kết, DN ổn định hơn về nguồn nguyên liệu có chất lượng, từ đó chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nhận định: “Mô hình chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương là hướng đi riêng của tỉnh. Qua 6 tháng triển khai, mô hình đã giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm cá ngừ cho ngư dân, tạo đầu ra ổn định, khắc phục được chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” kéo dài trong nhiều năm qua. Mô hình liên kết lấy mục tiêu nâng cao chất lượng, sản lượng cá ngừ làm trọng tâm; ngư dân tham gia chuỗi đã đầu tư, áp dụng đúng quy trình khai thác, sơ chế, bảo quản, qua đó đã nâng cao được chất lượng sản phẩm sau khai thác, giúp DN ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu”.
Theo ông Chánh, trước những kết quả tích cực từ mô hình, thời gian tới, chi cục tiếp tục vận động khoảng 100 tàu tham gia chuỗi liên kết với Công ty Thịnh Hưng. Bên cạnh đó, xây dựng thêm các chuỗi liên kết khác, với mục tiêu là toàn bộ gần 320 tàu câu cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh đều tham gia vào các chuỗi liên kết với các DN. Ngoài ra, sẽ định hướng để xây dựng các chuỗi liên kết đối với những đối tượng thủy sản khác nhằm nâng cao giá trị ngành Thủy sản.
Tuy đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng chuỗi liên kết chủ yếu vẫn dựa vào nội lực của DN, ngư dân và vai trò cầu nốii của cơ quan quản lý nhà nước. Để chuỗi liên kết được bền vững, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho các cá nhân, DN tham gia. Cụ thể, về phía các tàu khai thác, cần hỗ trợ để ngư dân mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm trên tàu cá, nhất là đối với các tàu vỏ gỗ; đào tạo kỹ năng khai thác, sơ chế, bảo quản cho ngư dân khi vươn khơi khai thác. Đối với DN, cần hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; xác nhận nguồn gốc nguyên liệu…