Những đóm lửa nhỏ
Dẫn tôi ra phía sau nhà, nơi có 6 chiếc bồn bên trong chất đầy giá thể bằng thân cây bắp sau khi thu hoạch trái, ông Huỳnh Văn Tùng (xã Phú Lộc, huyện Tân Châu, An Giang) chia sẻ: “Không còn nguồn thu từ đánh bắt cá mùa lũ như trước, gia đình tôi trông cậy vào đây để sống”.
Theo lời ông Tùng, mô hình này lãi rất cao vì tận dụng được lợi thế tự nhiên. Hằng ngày bỏ công bắt cá, ốc bắt tại các cánh đồng gần nhà, kết hợp với thức ăn công nghiệp, ông làm mồi nuôi 3.000 lươn sinh sản nhân tạo. Với giá bán bình quân 180.000 đồng/kg, mỗi vụ ông thu lãi không dưới 30 triệu đồng. Với số tiền này đủ để ông trang trải cuộc sống gia đình nông thôn ngay cả khi lũ thấp không còn nhiều cá tôm để ông khai thác như nguồn thu nhập chính.
Nước lũ thấp dần, sản vật cũng hiếm hoi. Ảnh: Hoàng Nam.
Cũng như nhiều người chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ, khi lũ thấp dần, lượng thủy sản theo dòng lũ thượng nguồn đổ về không dồi dào để nuôi sống gia đình như trước. Cuộc sống của gia đình, tương lai của con cháu đã thôi thúc ông Tùng tìm cách mở cánh cửa mới sau khi cánh cửa cũ đã đóng lại. Được bạn bè mách bảo, thấy phù hợp với kỹ năng sống mà mình đã dành cả tuổi thanh xuân tích lũy, ông mạnh dạn đầu tư xây 2 bồn nuôi lươn theo công nghệ mới, không bùn. Sau vụ đầu thắng lợi, ông làm thêm 2 bồn, rồi lên 6 bồn như hiện nay.
Tương tự, anh Trần Vũ Phong (xã Phú Lộc) cũng linh động biến bất lợi từ lũ thấp thành lợi thế mới cho cuộc mưu sinh. Tận dụng lũ thấp, cỏ dại mọc ven các bờ kênh, mương tại các cánh đồng lúa, anh Vũ mạnh dạn nuôi 4 con dê. Thấy anh chí thú, ngành nông nghiệp thị xã hỗ trợ thêm 1 cặp. Từ 6 con giống ban đầu, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên tại chỗ, anh đã dần mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hiện đại. Hiện mô hình của anh có trên 50 con dê, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng.
Lũ thấp, ít ao còn mong mỏi mà phải linh động nhiều mô hình khác. Ảnh: LT.
Độc đáo hơn, nhiều người dân còn hướng sự thích nghi theo hướng tái hiện mùa lũ theo phong cách mới. Đó là mô hình nuôi xen cá linh non trong ruộng lúa kết hợp tôm càng xanh ở vùng ven biên giới tỉnh Đồng Tháp.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (TP.Hồng Ngự) cho biết, chỉ sau 1 tháng thả nuôi 5 triệu con giống trên nền 3ha lúa, với giá bán 130.000 đồng/kg cá linh non, sau khi trừ chi phí 15.000 đồng/kg, lãi ròng số tiền 170 triệu đồng. “Đúng là 1 tháng nuôi cá, lãi gấp 3 lần so với làm lúa” - ông Dương Phú Xuân - Trưởng Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự - xác nhận hiệu quả mô hình.
Theo ông Xuân, do được thiết kế theo mô hình kết hợp nên gần như không tiêu tốn tiền thức ăn cho cá là nguyên nhân đạt lãi cao. Cụ thể, bỏ hẳn vụ lúa Hè thu tiềm ẩn nhiều rủi ro, be bờ quanh ruộng lúa để tích nước, sau đó cho nước thải ao nuôi cá vào ruộng để tạo thức ăn tự nhiên cho con cá linh. Khi thu hoạch cá, sẽ xuống giống lúa mùa nổi kết hợp nuôi tôm càng xanh. Đây là 1 trong số 5 nông dân đầu tiên TP.Hồng Ngự thử nghiệm mô hình nuôi cá linh mùa lũ trên diện tích 10ha. Tuy chỉ mới khởi đầu trên phạm vi nhỏ, nhưng sự thành công của mô hình đã gợi mở ra nhiều vấn đề lớn.
Ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự cho biết, sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, nếu hội tụ đủ các điều kiện, Hồng Ngự sẽ mở rộng quy mô để tiến tới phong trào nuôi cá linh thương phẩm: Bán cá tươi, khôi phục nghề làm nước mắm cá linh, tạo ra sản phẩm cá linh đóng hộp... Những ý tưởng đột phá như gợi niềm tin về hành trình hồi phục cả sinh hoạt văn hóa mùa nước nổi tưởng chừng sẽ lùi vào miền ký ức.
Cần chính sách mang tính trụ đỡ
“Nhiều sáng kiến nuôi trồng trong mùa lũ không chỉ đơn thuần là thay đổi mưu sinh từ đánh bắt tự hiên sang chăn nuôi chủ động, mà còn góp phần thay đổi lớn về môi trường” - Th.S Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ. Điển hình là mô hình nuôi cá linh mùa lũ. Việc đưa nước thải ao nuôi cá tra vào làm nền tạo thức ăn cho cá linh là sự kết hợp thông minh 2 trong 1”. Bởi theo Th.S Tuyên, điều đó không chỉ giảm chi phí thức ăn mà còn góp phần làm sạch môi trường so với việc xả nguồn nước trực tiếp ra tự nhiên.
Cá không về nên cần lưu tâm đa dạng mô hình canh tác, tránh đồng phục tư duy. Ảnh: Toàn Miền Tây.
Đồng tình với nhận định này, GS.TS Võ Tòng Xuân đặc biệt tâm đắc đến việc bỏ bớt vụ lúa để nuôi cá linh. Bởi điều này còn có ý nghĩa đến tính bền vững của sản xuất nông nghiệp thông minh. Theo GS Xuân, đó là việc mạnh dạn chuyển từ trạng thái tư duy phải trồng lúa mọi lúc mọi nơi, sang trạng thái linh động vận dụng lợi thế tự nhiên, lợi thế địa lý để chọn giống cây con phù hợp sinh thái, sinh học, thích ứng tự nhiên và nuôi phù hợp môi trường sinh thái tự nhiên để phát huy chất lượng hàng hóa và còn góp phần hạn chế tối đa ám ảnh “trúng mùa - mất giá” do nạn “đồng phục tư duy” về cây lúa.
GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: “Để phát huy những đóm lửa nhỏ hôm nay thành ánh sáng lớn, theo tôi rất cần chiến lược mang tính bệ đỡ cho toàn vùng. Quan trọng nhất là phân vùng theo đặc thù địa lý để quy hoạch cây trồng, vật nuôi thích ứng”.
Cụ thể, theo GS Xuân, có thể chia ĐBSCL thành 3 vùng địa lý đặc thù: Vùng ven biên giới - nhiều nước ngọt thuộc đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang... thì quy hoạch chuyên trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt để tạo ra lương thực và thủy sản nước ngọt cho cả nước. Vùng giữa thì lên liếp trồng cây ăn trái, có giá trị kinh tế cao. Hệ thống mương nhỏ bên dưới các liếp sẽ là tiểu vùng trữ nước cho mùa khô. Vùng ven biển nên cơ cấu theo mô hình lúa - tôm. Tận dụng nước trong mùa mưa để trồng lúa, sau đó tận dụng rạ lúa như loại giá thể độc đáo để nuôi tôm vào mùa hạn. “Quy hoạch này sẽ không chỉ phát huy được giá trị bản địa trên từng sản phẩm, mang đến giá trị cao cho người dân, mà còn giúp người dân vùng ngập lũ an tâm sống chung với không có lũ vì bớt đi nỗi lo trúng mùa - mất giá” - GS Xuân nhấn mạnh.
Mùa nước nổi đầy ắp sản vật dường như chỉ còn trong ký ức của người miền tây. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Sau nhiều đời chung sống với lũ, giờ đứng trước nguy cơ không còn lũ, ĐBSCL mất đi một phần sinh kế quan trọng. Vì thế hơn ất cứ lúc nào, hàng triệu người dân nơi đây đang rất cần có chính sách mang tính bệ đỡ để thay đổi sinh kế, vươn lên thích ứng với môi trường mới một cách bền vững, no ấm và phát triển.
"Phòng chống hạn - kiệt - mặn ở ĐBSCL trong bối cảnh hạn kiệt lưu vực sông Mekong là bài toán phức hợp, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều ngành. Bên cạnh việc làm dự báo sớm của ngành khí tượng - thủy văn, cần làm thật tốt việc chuyển đổi căn cơ, lâu dài cơ cấu mùa vụ - cây trồng - vật nuôi theo phương châm tiết kiệm nước, thích hợp trên cả ba vùng ngọt - lợ - mặn của ĐBSCL.... Đồng thời cần xây dựng phương án thương mại hiện đại để bán sản phẩm một cách thông minh nhất” (TS Bùi Đạt Trâm)