Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản bằng đường tiểu ngạch. Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Doanh nghiệp Việt phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật nếu muốn xuất khẩu vào thị trường khổng lồ này.
Theo ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, để đáp ứng các yêu cầu thị trường Trung Quốc, đòi hỏi người nuôi tôm chú trọng kỹ thuật, quy trình nuôi, đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
Ông Ngô Quang Hùng, người nuôi tôm (ấp Bữu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, gia đình nuôi tôm theo mô hình 2 giai đoạn đã được 4 năm. Sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng, trọng lượng tôm đạt cỡ 30 - 35 con/kg, năng suất đạt trên dưới 10 tấn/ha. Lợi nhuận ước đạt trên 400 - 600 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Hùng chia sẻ, nuôi theo quy trình này về quản lý kỹ thuật có nhiều khác biệt so với cách nuôi tôm truyền thống. Đặc biệt phải đầu tư hệ thống xử lý nước từ ao lắng, ao vèo tốn rất nhiều diện tích.
Cụ thể, gia đình ông Hùng phải tận dụng diện tích 1ha vuông nuôi, trong đó bỏ ra 2.000m2 để làm ao lắng xử lý nước (ao cấp) và 2.000m2 làm ao chứa thải. Diện tích ao nuôi thực tế của gia đình chỉ còn 2 ao, mỗi ao khoảng 1.000m2 và ao vèo diện tích 300m2.
Nguồn nước ban đầu được lấy vào ao lắng thô, sau đó chuyển qua ao cấp nước mới được lấy vào ao vèo. Con giống bắt về được thả nuôi trong ao vèo khoảng 20 - 25 ngày (tôm đạt khoảng 1.000 con thì sang ao nuôi). Giai đoạn này, tôm non được quản lý rất chặt. Diện tích ao vèo không quá lớn nên rất dễ kiểm soát, tránh được hiện tượng tôm chết sớm.
Ông Hùng cho biết, có nghe thông tin Trung Quốc không nhập khẩu tôm qua đường tiểu ngạch. Việc này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nên tìm hiểu để có kế hoạch hợp tác, giao dịch và phổ biến đến người nuôi.
Tỉnh Bạc Liêu có 10 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 1.248ha. Diện tích thả nuôi hiện tại hơn 67ha, đã thu hoạch là 11,3ha, sản lượng 644 tấn, năng suất bình quân rất cao, gần 57 tấn/ha. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho 299 hộ dân, tổng diện tích 890ha. Hiện các hộ này đã thả nuôi được 359ha và cho thu hoạch 30ha, sản lượng 1.004 tấn, năng suất bình quân trên 33 tấn/ha.
Tại Kiên Giang, quy trình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang được nhiều địa phương áp dụng. Đặc biệt, người nuôi tôm đã có ý thức không dùng các chất cấm, thuốc cấm trong quá trình nuôi, để đảm bảo chất lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Các huyện vùng U Minh Thượng, gồm: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận là khu vực quy hoạch nuôi tôm - lúa, tôm sinh thái dưới tán rừng của tỉnh. Quy trình nuôi ngày càng hoàn thiện, người nuôi nắm vững kỹ thuật nên chất lượng tôm thu hoạch luôn được nâng lên.
Người nuôi đã có ý thức tuân thủ quy trình nuôi tôm sạch.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết: “Để tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu luôn đảm bảo chất lượng, không bị dính chất cấm, huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn cho ngư dân. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã tổ chức được 27 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi, với hàng trăm lượt nông dân tham gia”.
Đến nay, nông dân huyện An Minh đã thả nuôi được hơn 39.000ha tôm - lúa và 1.500ha tôm sinh thái dưới tán rừng. Diện tích đã cho thu hoạch là trên 36.000ha, sản lượng gần 10.000 tấn, chủ yếu là tôm sú, được nuôi trong môi trường quảng canh nên chất lượng rất tốt. Một số diện tích nuôi đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.