Từ năm 2009, cá dứa đã được đưa vào nuôi ở hai xã An Thới Đông và Lý Nhơn. Giống cá và quy trình sản xuất được cung cấp bởi Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II. Tính đến nay, Cần Giờ có gần 70 cơ sở chế biến, xuất khẩu khô cá dứa; 21 hộ nuôi cá dứa với diện tích 30 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt 500 tấn nguyên liệu, phục vụ cho 20 cơ sở sản xuất. Sản phẩm cá dứa tạo ra giá trị cao hơn hẳn con tôm, trở thành đặc sản quý của Cần Giờ, được thị trường ưa chuộng. Theo đó, mỗi năm Cần Giờ xuất bán được hàng chục tấn cá dứa thương phẩm, với giá bán rất cao, lên đến 340 đến 380 ngàn đồng/kg.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất và kinh doanh chưa theo quy trình an toàn thực phẩm và chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Tình trạng cá dứa Cần Giờ bị mạo danh giữa các sản phẩm của các địa phương khác, khiến sản phẩm bị ảnh hưởng về chất lượng, uy tín và thương hiệu. Trước thực tế trên, UBND huyện Cần Giờ đã xúc tiến cho việc sử dụng địa danh Cần Giờ để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm khô cá dứa. Đến nay, sản phẩm khô cá dứa đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng, bảo hộ và quảng bá thương hiệu khô cá dứa Cần Giờ.