Cá lóc là loài cá nuôi truyền thống của nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Mấy năm qua, nhờ nuôi cá lóc mà người dân ở đây có điều kiện cải thiện đáng kể cuộc sống của mình.
Năm 2012, trong huyện có hơn 52 hộ nuôi cá lóc với diện tích gần 60 ha, sản lượng trên 14.000 tấn. Năm nay, diện tích nuôi tăng lên hơn 100 ha. Trong đó, xã Phú Thọ có diện tích nuôi 50,2 ha, chiếm hơn 50%, còn lại là ở các xã Phú Thành A, Phú Hiệp, An Hòa, An Long, …
Cá lóc nuôi, ngoài ăn tươi tại chỗ hoặc bán đi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền trung và Cămpuchia, còn được chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác như làm mắm, v.v... Đặc biệt khô cá lóc của Tam Nông được coi như một đặc sản. Từ khô cá lóc, người nội trợ có thể chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, như gỏi (nộm) xoài khô cá lóc, khô cá lóc gỏi sầu đâu, khô cá lóc chiên, khô cá lóc nướng, khô cá lóc hấp, canh chua khô cá lóc, khô cá lóc nhúng mẻ, khô cá lóc kho thịt ba chỉ, …
Hiện nay, trong huyện có 11 cơ sở chế biến cá khô thủ công, nhưng chỉ có duy nhất một cơ sở là Công ty Cổ phần Tứ Quý chế biến khô cá lóc bằng hệ thống máy móc thiết bị theo quy trình đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quy trình sản xuất khô cá bao gồm nhiều công đoạn. Đầu tiên làm cá, rửa sạch, xát muối, rửa nước muối để khử mùi tanh; tiếp theo là làm lạnh, xả đông, ướp gia vị phù hợp để có được vị thơm đặc trưng của khô cá lóc, ăn vừa miệng không mặn không lạt; sau đó sấy, chiếu xạ tiệt trùng, đóng gói chân không. Theo công thức qui đổi, khoảng 4 kg cá lóc nguyên liệu tươi làm ra được 1 kg cá lóc khô. Sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm đạt yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm và được Cục ở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Ông Đỗ Công Bình, Giám đốc Công ty CP Cá khô Tứ Quý tâm sự: “Vùng đất quê mình có truyền thống nuôi cá lóc, bà con “5 ăn 5 thua” vì cảnh được mùa mất giá. Chúng tôi chung tay nhau mở công ty để giúp người nuôi tiêu thụ được sản phẩm, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng một sản phẩm khô sạch, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe. Công suất của xưởng là 500kg cá tươi cho ra khoảng 140kg cá khô mỗi ngày. Chúng tôi dự kiến mở rộng mặt bằng nhà xưởng lên khoảng 2.000m2, trang bị thêm máy móc, tạo thêm các sản phẩm mới như khô rắn, khô cá lóc bông, cá chạch và cá tra phồng…”
Ông Cường, Phó Giám đốc Công ty trao đổi thêm: “Sản phẩm của chúng tôi đã đăng ký thương hiệu, chứng nhận sản phẩm sạch,… và quảng bá đến nhiều nơi, từ các siêu thị, cửa hàng đặc sản ở Đồng Tháp, đến Sài Gòn CoopMart, siêu thị Bình An (bến xe miền Đông), chuỗi siêu thị Satra, chuỗi siêu thị Hapro. Chúng tôi cũng quảng cáo trên mạng, lập riêng trang web, đặt đại lý ở khu vực miền Trung. Dự định của Công ty trong thời gian tới sẽ liên kết thêm nhiều địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thêm nhiều mặt hàng để thương hiệu khô cá Tứ Quý ngày càng vươn xa, làm giàu cho địa phương và có sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nói chung và khách du lịch đến Tam Nông nói riêng... Khô được sản xuất theo qui trình khép kín, không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản, không phơi nắng.
Đến tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp – khu Ramsar thứ 2.000 trên thế giới và khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam – cùng niềm thích thú được ngoài ngắm cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, chim muông và loài sếu đầu đỏ quí hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, du khách chớ quên thưởng thức món khô cá lóc mang hương vị độc đáo của vùng Tam Nông, Đồng Tháp và mua vài sản phẩm làm quà cho người thân.