Mục tiêu 10 tỷ USD của ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 là hết sức khó khăn do cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề trong đó có vấn đề con giống. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Cách quản lý chất lượng tôm giống lâu nay có điều gì bất ổn và nên thay đổi cách kiểm soát chất lượng tôm giống như thế nào để phù hợp với thực tế sản xuất? Những nội dung này một lần nữa được đặt ra tại Diễn đàn Khuyến nông Quốc gia vừa diễn ra ở Nha Trang, Khánh Hòa.
Cả nước có 1.863 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ. Năm 2016, lượng tôm giống cung ứng trên 104 tỷ con. Những quy định quản lý chất lượng tôm giống đã có nhưng thực tế lại có nhiều khoảng trống khi thực hiện các quy định này. Một điểm mấu chốt là phải kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm bố mẹ nhưng lại không làm được khiến cho người nuôi không thể xác định nguồn gốc tôm giống.
Ngoài ra, thị trường tôm giống sôi động kéo theo nhiều góc khuất khó quản lý như có những doanh nghiệp nhỏ lẻ thu gom tôm giống tràn lan từ các cơ sở sản xuất khác nhau rồi đóng gói bao bì nhãn mác. Tôm giống lọt lưới kiểm dịch tuồn vào chợ tôm giống là thực tế nhức nhối suốt nhiều năm qua khiến người nuôi tôm dường như chỉ biết than phiền về chất lượng tôm giống thật, giả lẫn lộn.
Chất lượng con giống quyết định đến một nửa thành công cho vụ nuôi tôm. Bởi vậy, trước những lỗ hổng kéo dài trong quản lý tôm giống, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách thức quản lý tôm giống.
Theo tính toán, để đạt mục tiêu 10 tỷ USD, ngành tôm Việt Nam phải sản xuất 100 tỷ con tôm thương phẩm, tương ứng với nhu cầu từ 400- 500 tỷ con giống. Mặc dù năng lực của các cơ sở sản xuất tôm giống trong nước có thể làm được, tuy nhiên, trở ngại chính là mới chỉ 30-40% tôm giống đạt chất lượng. Nếu quản lý được chất lượng tôm giống, nâng tỷ lệ tôm giống đạt chất lượng thả nuôi trên các cánh đồng tôm, mục tiêu 10 tỷ USD của ngành tôm Việt Nam mới có tính khả thi.