Thất thu hàng tỉ đồng
HTX nuôi cá bống tượng Tân Thành Tiến (xã Tân Thành, TP.Cà Mau) có 52 ao nuôi cá bống tượng (khoảng 3 ha), trung bình mỗi ao có từ 200 - 400 con tới thời kỳ thu hoạch, nhưng các xã viên đang phải neo lại chờ giá lên. Ông Huỳnh Văn Hận, Chủ nhiệm HTX Tân Thành Tiến, cho biết hiện nay, cá giống “xô” từ 10 - 15 con/kg giá 110.000 - 120.000 đồng/kg; cá loại 1, 2 giá từ 150.000 - 175.000 đồng/kg; trong khi đó, cá thương phẩm loại 1 chỉ có 190.000 - 200.0000 đồng/kg, thậm chí có lúc xuống chỉ còn 140.000 đồng/kg. Vào thời điểm này năm ngoái, giá cá dao động từ 350.000 - 430.000 đồng/kg.
Để có 1 kg cá bống tượng thương phẩm, nông dân phải nuôi từ 8 tháng đến 1 năm và đầu tư trên 10 kg cá mồi. Vì thế, 14 xã viên HTX Tân Thành Tiến như đang “ngồi trên đống lửa”, bởi chi phí cá giống, thức ăn, thuốc trị bệnh, thuê người chăm sóc… đội lên quá cao. Nếu giá cá cứ ở mức thấp như hiện nay, nông dân cầm chắc lỗ. Không chỉ chịu cảnh cá rớt giá, người nuôi còn bị thương lái hùa nhau ép giá. “Cá cân nặng từ 500 - 990 gr trước đó thương lái mua theo giá cá loại 1, nhưng hiện nay họ cho là cá “hố”, chỉ mua với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Người nuôi “chết đứng” vì đây là loại cá phổ biến nhất trong ao”, ông Hận cho biết thêm.
Vụ vừa qua, không ít hộ ở Cà Mau đã vươn lên khá giả nhờ con cá bống tượng. Do vậy, năm 2013, phong trào nuôi cá bống tượng phát triển rầm rộ ở các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi và TP.Cà Mau, với diện tích hơn 1.000 ha. Giá cá bống tượng sụt giảm nghiêm trọng trong hơn 1 năm qua đã khiến nông dân Cà Mau thất thu hàng tỉ đồng. Theo nhiều hộ, nguyên nhân dẫn đến giá cá giảm mạnh là do nguồn cung vượt cầu. Nông dân tự do mở rộng diện tích nuôi, trong khi đầu ra chủ yếu là xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Bởi vậy, khi thị trường này không “ăn hàng”, người nuôi phải chịu cảnh bị thương lái ép giá, mua cầm chừng, thậm chí không thu mua.
Bài toán chờ lời giải
Ông Trương Huỳnh Lãm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết toàn xã hiện có trên 236 ha diện tích nuôi cá bống tượng và cá chình, với khoảng 80% hộ dân tham gia. Cũng nhờ nghề này mà người dân có thu nhập khá, đời sống ngày càng sung túc. Thế nhưng gần đây, nhiều hộ bị thua lỗ nặng do cá bống tượng liên tục rớt giá. “Vì giá cá xuống quá thấp nên nhiều hộ nuôi cầm cự neo lại, khiến chi phí càng tăng cao. Hơn nữa, việc neo cá lâu trong ao cũng dễ bị rủi ro do ô nhiễm nguồn nước hoặc dịch bệnh”, ông Lãm nói.
Hiện tỉnh Cà Mau vẫn chưa tìm được lối ra cho nhiều mặt hàng nông thủy sản nói chung, trong đó có con cá bống tượng. Chính quyền địa phương mới chỉ dừng lại ở việc vận động người dân cố gắng duy trì nghề nuôi truyền thống, không nên phát triển nuôi cá tự phát, đồng thời khuyến khích nông dân nuôi trồng đa cây, đa con. Hiện nay, một số mô hình hỗ trợ con cá bống tượng đã được áp dụng khá hiệu quả ở xã Tân Thành như mô hình trồng rau má, rau đắng, thanh long trên liếp...
Ông Mã Huy, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, khuyến cáo nông dân không nên mở rộng quy mô nuôi cá bống tượng vì phải đầu tư vốn lớn, khi gặp rủi ro, nông dân sẽ là người chịu thiệt hại nhiều nhất. Về lâu dài, tỉnh cần chỉ đạo chính quyền địa phương quy hoạch vùng nuôi hợp lý, thành lập CLB, HTX để tập huấn quy trình, kỹ thuật nuôi, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho con cá bống tượng Cà Mau. Bên cạnh đó, nông dân nên nuôi cá theo quy mô hộ gia đình, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, hạn chế việc thu mua cá mồi để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trước tình hình giá cá xuống thấp như hiện nay.