Giá cá sấu ở ĐBSCL hiện chỉ còn 20.000 đồng/kg, cao hơn đôi chút so với... giá cá làm thức ăn cho cá sấu. Người nuôi cá sấu lâm vào tình cảnh lao đao, bán thì lỗ nặng, còn không bán thì không đủ chi phí để tiếp tục nuôi.
Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu được xem là thủ phủ của nghề nuôi cá sấu với số lượng hơn 200.000 con. Đã có nhiều hộ đổi đời, thậm chí thành tỉ phú nhờ nuôi loài động vật hoang dã này. Tuy nhiên, hiện giá cá sấu thương phẩm quá thấp, không tiêu thụ được nên lượng cá sấu đến lứa bán còn tồn trong dân lên cả trăm ngàn con.
Ông Nguyễn Văn Dương (ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long), người có thâm niên hơn 10 năm nuôi cá sấu, cho biết ông chưa từng chứng kiến cảnh giá cá sấu thương phẩm lại rớt thảm hại như hiện nay. 150 con cá sấu của ông đã tới lứa bán nhưng đành nằm chờ vì thương lái không chịu thu mua. Cách đây gần một tháng, thương lái có vào coi chuồng cá sấu của ông và ngã giá 100.000 đồng/kg, sau đó sụt xuống 80.000 đồng/kg, 50.000 đồng/kg và hiện chỉ còn 20.000 đồng/kg.
“Đến nước này thì đành chịu chứ bán ra chỉ có lỗ, không giải quyết được gì. Nhiều người vì không trang trải nổi tiền thức ăn, vệ sinh chuồng trại cho cá sấu đành bán tháo nhưng thương lái vẫn không chịu mua. Cứ đà này, không bao lâu nữa người nuôi sẽ đổ nợ” - ông Dương than thở.
Anh Nguyễn Văn Quýt (xã Phước Long, huyện Phước Long) cho biết cách đây 3 tháng, anh bấm bụng bán 50 con cá sấu với giá 90.000 đồng/kg nhưng vẫn bị lỗ đứt gần 20 triệu đồng. Giờ anh còn 60 con chưa bán được do giá cá sấu xuống quá thấp. “Tôi định bán hết để chuyển đổi mô hình vì không biết bao giờ giá mới tăng trở lại” - anh Quýt chán nản.
Theo ông Lê Văn Tần, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, thị trường tiêu thụ cá sấu hiện nay chủ yếu là Trung Quốc, xuất theo đường tiểu ngạch. Giá cá sấu thương phẩm tại thị trường này lên tới gần 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do đa số người nuôi tự phát, số hộ nuôi ngày càng tăng, lại chủ yếu bán qua thương lái chứ không còn đường tiêu thụ nào khác, không liên kết với nhau để định giá cho sản phẩm của mình, từ đó thương lái lợi dụng, mặc sức thao túng thị trường, chèn ép giá. “Với giá cá sấu như hiện nay, người dân bán cũng “chết” mà không bán cũng “chết”. Bài toán đầu ra cho cá sấu hiện tại thật sự quá khó và quá tầm đối với địa phương” - ông Tần lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện khuyến cáo bà con nông dân thận trọng trong việc nuôi cá sấu, không nên đầu tư nuôi mới.
“Bạc Liêu có lợi thế là có trang trại được Cites (Công ước Quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) công nhận cho phép mua bán cá sấu quốc tế nhưng hiện chỉ có thị trường Trung Quốc nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ cho nông dân. Sở Công Thương tỉnh đang tìm thêm các thị trường khác, bảo đảm các trang trại Cites này xuất khẩu nhiều hơn, từ đó hy vọng giá cá sấu sẽ tăng” - ông Phúc cho biết.
Theo ông Lê Văn Tần, việc xem xét thành lập hiệp hội chăn nuôi cá sấu là vấn đề cần đặt ra. Hiệp hội này không chỉ giúp cơ quan chức năng làm tốt vai trò định hướng trong tổ chức sản xuất, hoạch định kế hoạch phát triển nghề chăn nuôi động vật hoang dã gắn với công nghệ chế biến mà còn làm tốt hơn công tác quản lý, thay vì để nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như lâu nay.
Cảnh giác cá sấu sổng chuồng
Trước thực trạng giá cá sấu thấp chưa bán được, Chi cục Kiểm lâm đã khuyến cáo bà con nếu muốn giữ đàn cá chờ giá thì cần hạn chế cho cá sấu ăn để tiết kiệm chi phí bởi cá sấu có thể nhịn ăn trong thời gian dài. Bên cạnh đó, chi cục phối hợp với các ngành hữu quan, các địa phương rà soát, kiểm tra lại chuồng trại ở các hộ nuôi để phòng ngừa do giá rẻ, bà con lơ là để cá sấu sổng chuồng, gây nguy hiểm cho cộng đồng.