Bún tôm, bún rạm là đặc sản nứt tiếng ở đầm Trà Ổ, Bình Định, nổi tiếng khắp cả nước. Tô bún tuy đơn giản nhưng nó hội tụ tinh hoa đất trời, sông nước Phù Mỹ khiến du khách phải thương nhớ dù chỉ một lần thưởng thức. Món bún đậm đà hương vị làng quê này giờ đã có mặt tại nhiều tuyến phố ở Quy Nhơn.Và một trong những người đã mang món ăn dân dã đến với rất nhiều tầng lớp người dân sinh sống tại TP Quy Nhơn là Em Lâm Hữu Hoàng, sinh năm 1994, quê ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.
Là một dược sĩ từng có khoảng thời gian làm việc trong ngành y tế, dược phẩm, tuy nhiên, em sinh ra và lớn lên bên vùng Đầm Trà Ổ, quen thuộc với hình ảnh bà con chòm xóm đưa thuyền ra đầm giăng lờ từ chiều tà đến mờ sáng sớm hôm sau. Thành quả thu được là những tôm, rạm, cá, lươn tươi ngon thiên nhiên ban tặng.
Từ chính nguồn nguyên liệu ấy người dân nơi đây đã sáng tạo ra món bún tôm, bún rạm là món ăn sáng chính của biết bao thế hệ. Cùng với mong muốn gìn giữ và mang món ăn dân dã quen thuộc ấy đến với nhiều nơi, nhiều người dân hơn nữa. Chính vì vậy Hoàng đã rẽ hướng chọn khởi nghiệp với món bún tôm, bún rạm vào năm 2016 với cơ sở đầu tiên tại 01 Trần An Tư, TP Quy Nhơn.
Ở TP Quy Nhơn có rất nhiều địa chỉ bán món này nhưng tôi chú ý đến quán của Hoàng vì mỗi lần có dịp đi ngang qua thấy khá đông khách và được người quen giới thiệu là quán nấu theo hương vị Phù Mỹ không lẫn vào đâu được. Để xác định chính xác nội dung như bạn tôi chia sẻ, tôi đã ghé quán ăn thử. Tôi đến quán Bún Tôm-Rạm đầm Trúc tại 03 Mai Xuân Thưởng, Tp Quy Nhơn (cơ sở 2) lúc 4h30 chiều, lúc đó quán còn khá vắng khách nên tôi có dịp tiếp xúc và nói chuyện với Hoàng-chủ quán đang ở quán chuẩn bị các nguyên liệu cho buổi bán tiếp theo.
Ấn tượng của tôi là quán khá rộng rãi và sạch sẽ. Mọi thứ đều ngăn nắp và gọn gàng. Tôi gọi một tô bún rạm chỉ có giá 17.000 đồng nhưng rạm đầy ắp khá hấp dẫn. Cùng một bánh gạo nướng than, phồng và xốp giòn giá 3.000 đồng. Vì đã no nên tôi không ăn thêm bún tôm nữa mà chỉ gọi thêm một chén tôm thêm không bún.
Hoàng cho biết, bún tôm, bún rạm ở đây nấu kiểu truyền thống kiểu Phù Mỹ đơn giản tạo nên sự "tươi ngon, thanh nhẹ" cho món ăn. Bún rạm không pha nhiều phụ gia như các quán khác ở Quy Nhơn, nên vẫn giữ được mùi rạm thơm nhẹ, vị ngọt, béo. Nguyên liệu nấu bún rạm đơn giản, phần chính là rạm đầm Trà Ổ (Rạm là loài thuộc họ cua, vỏ cứng, thịt ngọt) được làm sạch bằng cách tách bỏ mai, yếm, xay nhuyễn, lọc lấy thịt đem nấu chín, thêm gia vị cho vừa ăn.
Tô bún tôm, bún rạm cực kì hấp dẫn được chế biến đơn giản, ăn kèm rau sống và bánh tráng nướng. Ảnh: NVCC
Còn bún tôm lại càng đơn giản hơn nữa, tôm đất đầm Trà Ổ quết nhuyễn, nêm một ít mắm, muối rồi đánh chín bằng nước bột gạo đang sôi sùng sục làm cho tôm vừa chín tới, đổi màu ửng hồng, thêm tí hành ngò tạo nên vị thơm, ngọt thanh nhẹ nhàng rất lạ miệng. Đặc biệt, Hoàng còn đầu tư máy ép bún tại chỗ (giống với địa phương Phù Mỹ), bán tới đâu, ép bún tới đó sợi bún vừa chín mềm mại, nóng hổi thực khách chưa ăn đã thấy khá hấp dẫn.
Hoàng cho biết thêm, nhiều người lần đầu chưa quen sẽ thấy bún tôm khá nhạt nhẽo, khó ăn. Nhưng ấn tượng của tôi khi lần đầu tiên ăn bún tôm tại quán của Hoàng là nước bún ngọt thanh, nhẹ nhàng, thịt tôm đất dai vừa phải và ngon một cách đặc biệt không thể diễn tả bằng lời. Giờ ngồi viết những dòng này tôi vẫn cảm thấy thèm thuồng.
Chia sẻ thêm về bí quyết thành công của món ăn, Hoàng nói nguyên liệu tuy không quá cầu kỳ nhưng điểm nhấn để tạo nên hương vị đặc trưng cho bún rạm, bún tôm chính là nguyên liệu tươi sống và sự tỉ mỉ trong cách chế biến. Gia đình ngoài quê em có nhiều người, nhiều đời theo nghề bán bún nên em cũng học được nhiều bí kíp gia truyền của người đầu bếp lâu năm tạo nên món đặc sản xứ đầm Trà Ổ hương vị mộc mạc này.
Điều làm tôi ấn tượng là sản phẩm ngon, chất lượng nhưng giá bán ở đây thì khá bình dân chỉ có 17.000 đồng/tô. Giờ mà ở Quy Nhơn tìm một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng mà giá cả thế này thì rất là hiếm. Hoàng nói vì quê em ở đầm Trà Ổ nên nguồn nguyên liệu em mua tận gốc giá rẻ hơn. Với em mong muốn lớn nhất là giảm thiểu các chi phí để có được món ăn ngon với mức giá bình dân góp phần lan toả nhiều người biết món đặc sản Phù Mỹ.
Quán thứ 2 được Hoàng mở đầu năm 2023. Hiện cả 2 quán mở bán từ 5h30 đến 11h và 15h30 đến 21h00. Rất nhiều người gốc Phù Mỹ tìm đến thưởng thức tìm lại hương vị quê nhà và rất đông dân ở TP Quy Nhơn ghé quán để ăn sáng, tối .
Chia sẻ về thời gian đầu mở quán, Hoàng nói tuổi trẻ mới mở bước vào kinh doanh quán sá nên trang thiết bị thì tận dụng, gom góp đồ cũ, các công việc quán sá thì cố gắng bỏ công sức ra tự hoàn thiện để giảm thiểu chi phí. Sau này quán đi vào nề nếp cần mở rộng phục vụ thì mới thuê thêm nhân lực. Trò chuyện với tôi, em vẫn rất khiêm tốn, em cho rằng mình cũng chưa gọi là khởi nghiệp thành công, tuy nhiên điều mà em thấy tâm đắc nhất là mang món đặc sản quê hương Phù Mỹ đến với nhiều người.