Khốn khổ vì tàu cá vỏ thép liên tục hỏng

Hàng chục tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 vừa được bàn giao cho ngư dân miền Trung trong năm 2016 liên tục bị hư hỏng, phải nằm bờ để sửa chữa khiến chủ tàu bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Khốn khổ vì tàu cá vỏ thép liên tục hỏng
Tàu vỏ thép của ông Nguyễn Thanh Hồng được lai dắt vào Lý Sơn. Ảnh Hiển Cừ

Giữa tháng 4, đang mùa vụ đánh bắt cá Nam, các ngư dân có tàu neo đậu tại cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định) đều khẩn trương mua sắm những thứ cần thiết để ra khơi thì nhiều chủ tàu vỏ thép vẫn lo sửa chữa tàu. Theo lãnh đạo UBND xã Cát Khánh, toàn xã hiện có 9 tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đóng, bàn giao cho ngư dân thì tất cả đều bị sự cố.

Hỏng máy, chìm tàu…

Tàu vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016 TS (công suất 940 CV, trị giá 18,7 tỉ đồng) của ông Lê Văn Thãi (thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh) hạ thủy vào tháng 7.2016. Trong chuyến biển đầu tiên, tàu bị hư hầm lạnh bảo quản cá, phải quay về sớm nên lỗ mất 200 triệu đồng. Sau chuyến này, tàu phải nằm bờ 2 tuần để sửa chữa hầm lạnh. Chuyến biển thứ hai không gặp sự cố nhưng ông Thãi vẫn bị lỗ vì đánh bắt không hiệu quả.

Sáng 2.4, khi ông Thãi vận hành tàu chuẩn bị ra khơi chuyến thứ ba thì máy chính hư hộp số, 6 kim phun dầu bị hư. Ngày 18.4, người của Công ty Nam Triệu đến lắp lại các bộ phận bị hư. Hôm sau, tàu chạy thử, có nhân viên kỹ thuật của công ty đóng tàu đi cùng đã đưa ra kết luận là máy bị hư trục bô, thiết bị giải nhiệt cho máy không hoạt động gây nóng quá mức làm hỏng máy. Thế nhưng, sau khi sửa, chạy thử vẫn phát hiện trục bô của máy bị sự cố. Hiện tàu cá này đang nằm bờ để sửa chữa.

Tàu cá vỏ thép Khánh Đỏ BĐ 99086 TS (trị giá hơn 18,5 tỉ đồng, gồm cả ngư lưới cụ) của ông Đinh Công Khánh (thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh) hạ thủy tháng 9.2016 cũng liên tục hư hỏng. Sau 2 chuyến biển, ông Khánh lỗ 520 triệu đồng do tàu bị hỏng. “Tàu của tôi đang bị hỏng máy động cơ chính, hộp số. Công ty Nam Triệu đã cử người đến nhưng sửa không thành công, thợ máy đến sửa cũng bỏ đi rồi. Tôi chẳng biết làm sao nữa”, ông Khánh than thở.

"Sở sẽ mời chính quyền các địa phương, chủ tàu, công ty đóng tàu và Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản cùng tiến hành kiểm tra, làm việc trực tiếp về bảo hành, sửa chữa từng trường hợp hư hỏng cụ thể, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định để chủ tàu hoạt động sản xuất; tìm hiểu nguyên nhân khó khăn trong trả nợ ngân hàng, sau đó có kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan tháo gỡ, giúp ngư dân chậm trả nợ"Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định

Thiệt hại nặng nhất phải kể đến tàu cá vỏ thép BĐ 99939 TS của ông Nguyễn Thư (thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, H.Hoài Nhơn, Bình Định). Sau khi được Công ty Nam Triệu bàn giao khoảng 2 tháng, ông Thư tổ chức chuyến biển đầu tiên. Ngày 5.11.2016, tàu đang chạy tránh áp thấp nhiệt đới thì bị phá nước khoang chứa và khoang máy, nước tràn vào khiến tàu bị chìm. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều tàu cảnh sát biển ra cứu nạn nhưng chỉ cứu được 8 ngư dân, còn xác tàu đành bỏ. Hiện ông Thư và đơn vị bảo hiểm đang tính toán chi trả tiền bảo hiểm.

Một năm khai thác, lỗ tiền tỉ

Tại Quảng Ngãi, ông Ngô Văn Hưng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết đến thời điểm này toàn tỉnh có 35 tàu đánh cá và dịch vụ hậu cần nghề cá (9 tàu vỏ thép, 26 tàu vỏ gỗ) được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 đã hạ thủy và đi vào hoạt động. Sau một thời gian hành nghề, hầu hết các tàu vỏ gỗ đều hoạt động hiệu quả, còn 6 tàu vỏ thép do liên tục bị hư hỏng khiến nhiều chủ tàu thua lỗ nặng nề, trong đó 3 tàu bắt đầu nợ quá hạn.

Tàu đánh cá vỏ thép Biển Đông 1 mang số hiệu QNg 90999 TS (công suất 811 CV, tổng mức đầu tư gần 14 tỉ đồng, chuyên hành nghề lưới rê) của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, H.Bình Sơn) là một ví dụ. Cuối tháng 2.2016, tại cảng cá Bình Châu (H.Bình Sơn), tàu được Công ty TNHH MTV Bạch Đằng (TP.Hải Phòng) và các bên liên quan bàn giao cho ông Hân đưa vào khai thác. Đây là tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên ở Quảng Ngãi vươn khơi, bám biển xa.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm tàu hành nghề không hiệu quả, thậm chí lỗ nặng nề khiến ông Hân ngán ngẩm. “Từ khi đưa tàu vào hoạt động đến nay đã khai thác được 5 chuyến biển nhưng cả 5 chuyến tàu đều bị trục trặc ở bộ phận máy kéo lưới nên sản lượng khai thác đạt thấp. Thậm chí, có chuyến mới hành nghề được 16 ngày phải đưa tàu quay vào bờ”, ông Hân nói và cho biết thêm mỗi lần hư hỏng phải đưa tàu vào bờ sửa chữa nhiều ngày, thậm chí cả tháng mới xong nên thời gian bỏ biển kéo dài dẫn đến ngư dân tìm đến các tàu cá khác để đi bạn. “Tàu liên tục bị hư hỏng nên tính ra hơn 1 năm qua tui lỗ hơn 1 tỉ đồng”, ông Hân thở dài.

Gần đây nhất, vào ngày 31.3 vừa qua, tàu đánh cá vỏ thép QNg 91131 TS của ông Nguyễn Thanh Hồng (xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) trong lúc hành nghề cách vùng biển đảo Lý Sơn về phía đông nam khoảng hơn 80 hải lý thì máy chính bị hỏng. Không khắc phục được, ngư dân đành thả tàu trôi trong điều kiện thời tiết biển động mạnh…

Theo ông Ngô Văn Hưng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, 21 mẫu tàu vỏ thép mà Bộ NN-PTNT ban hành đều bị ngư dân chê thiếu thực tế. Do đó, ông Hưng đề nghị Bộ NN-PTNT cần phải khảo sát, đánh giá cụ thể từng tàu đánh cá vỏ thép mà lâu nay ngư dân đã đưa vào hoạt động để đưa ra mẫu tàu phù hợp với thực tế đánh bắt.
Khó khăn chồng chất

Không chỉ khốn khổ vì tàu liên tục hư hỏng, theo ông Đinh Công Khánh, hầu hết các tàu vỏ thép ở Bình Định đều gặp khó khăn khi tìm chỗ neo đậu tàu. Các tàu cá vỏ thép vào neo đậu tại cảng cá Đề Gi thì bị ban quản lý cảng cá đuổi vì tàu lớn, chiếm hết luồng lạch, gây cản trở các tàu cá khác ra vào. “Do không còn chỗ neo đậu nào khác, chúng tôi cho tàu nằm lì tại cảng cá Đề Gi nên ban quản lý cảng cá cũng đành thông cảm. Khi tàu nằm bờ thì chúng tôi phải trả tiền thuê bến bãi để neo đậu hết 40.000 đồng/ngày, thuê người trông tàu hết 50.000 đồng/đêm. Bước sang tháng 5 này là đến thời hạn tôi trả nợ quý 2/2017 cho ngân hàng với số tiền cả vốn gốc lẫn lãi khoảng 294 triệu đồng. Nhưng tàu thì liên tục bị hư hỏng, đánh bắt thua lỗ liên tiếp làm sao có tiền để trả nợ đây?”, ông Khánh lo lắng.

Tương tự, ông Lê Văn Thãi cho biết cũng sắp phải trả ngân hàng số tiền 365 triệu đồng (gồm vốn và lãi) nhưng chưa biết lấy đâu ra vì tàu không ra khơi thời gian dài và đánh bắt không hiệu quả.

Theo Phòng Kinh tế TP.Quy Nhơn (Bình Định), hầu hết các tàu vỏ thép của ngư dân trên địa bàn tham gia đánh bắt đều bị thua lỗ, bình quân từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh đã phê duyệt 146 ngư dân được vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay đã có 37 tàu vỏ thép đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có một số tàu vỏ thép bị trục trặc, hư hỏng về vỏ tàu, máy móc, trang thiết bị chưa được cơ sở đóng tàu sửa chữa, bảo hành kịp thời làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiến độ trả nợ của các chủ tàu. Sau khi nhận được đơn kiến nghị của các chủ tàu vỏ thép về tình hình hư hỏng và bảo hành sửa chữa của các cơ sở đóng tàu, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, thấy hầu hết phản ánh của ngư dân là chính xác. “Sở sẽ mời chính quyền các địa phương, chủ tàu, công ty đóng tàu và Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản cùng tiến hành kiểm tra, làm việc trực tiếp về bảo hành, sửa chữa từng trường hợp hư hỏng cụ thể, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định để chủ tàu hoạt động sản xuất. Đồng thời, Sở cũng sẽ làm việc cụ thể với từng chủ tàu vỏ thép để tìm hiểu nguyên nhân khó khăn trong trả nợ ngân hàng, sau đó có kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan tháo gỡ, giúp ngư dân chậm trả nợ”, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết.

Báo Thanh Niên
Đăng ngày 04/05/2017
Đánh bắt

Nâng cao công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản

Hiện nay công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tàu cá
• 10:29 10/01/2025

Bình Định tăng cường lãnh đạo, xử lý các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU

Thực hiện Văn bản số 567-CV/BCSĐ ngày 18/12/2024 của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5.

Tàu cá
• 09:43 07/01/2025

Gỡ khó trong cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản

Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU từ Ủy ban Châu Âu (EC), trong đó việc cấp giấy xác nhận (SC) và chứng nhận (CC) nguyên liệu thủy sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong triển khai đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Thu hoạch cá
• 10:47 17/12/2024

Bình Định sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ

Ngày 10/12/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 84/2024/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ

Tàu cá
• 10:17 16/12/2024

Tôm sú hay tôm thẻ: Loại nào ngon hơn cho món lẩu ngày Tết?

Tết Nguyên Đán là dịp lễ gia đình quay quần, cùng nhau chuẩn bị những bàn ăn đậm đà, phong phú.

Lẩu hải sản
• 01:11 23/01/2025

Tôm ruột cong: Nguyên nhân và biện pháp phòng trị

Tôm ruột cong là một trong những hiện tượng phổ biến nhưng gây không ít lo lắng cho người nuôi tôm. Khi mắc phải tình trạng này, tôm thường yếu, giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, dễ bị bệnh, và có nguy cơ chết cao.

Tôm ruột cong
• 01:11 23/01/2025

Mô hình nuôi tôm không xả thải được nghiên cứu và ứng dụng thành công

Trong những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản đã chứng kiến những bước tiến đột phá nhờ vào áp dụng các công nghệ môi trường bền vững. Trong đó, mô hình nuôi tôm không xả thải đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công, giải quyết được những thách thức lâu nay về ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm

Ao nuôi
• 01:11 23/01/2025

Vai trò dinh dưỡng của thủy sản trong bữa ăn hằng ngày và lợi ích bất ngờ

Thủy sản từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ ăn của nhiều gia đình. Với sự phong phú về chủng loại và giá trị dinh dưỡng, các món ăn từ thủy sản không chỉ ngon miệng mà còn mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe.

Thủy sản
• 01:11 23/01/2025

Đốm trắng hoành hành trở lại trong thời gian gần đây

Trong thời gian gần đây, bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương, gây lo ngại cho bà con nuôi tôm. Đây là bệnh do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.

Tôm thẻ chân trắng
• 01:11 23/01/2025
Some text some message..