Chuyển đổi, điều tất yếu
Thưa ông, vấn đề bảo vệ đất lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ hiện nảy sinh nhiều vướng mắc liên quan chuyển đổi sản xuất, thậm chí gây tranh cãi ở các địa phương, ông đánh giá thực trạng này ra sao?
Chuyển đổi đất lúa có rất nhiều nội dung và vấn đề cần phải bàn. Chuyển đổi là tất yếu, cần thiết, đặc biệt đối với những nước trồng nhiều lúa, dư thừa lương thực. Thực tế, dù là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng rõ ràng hiện nay chúng ta đang thua trên mặt trận cây lúa. Thật đáng hổ thẹn, là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng ở các siêu thị, người dân vẫn mua gạo Thái Lan, gạo Đài Loan để ăn. Thứ nhất là thị trường bị bó hẹp, thứ hai là chất lượng của lúa gạo mình đang kém. Cho nên theo tôi phải giảm bớt diện tích và nghiên cứu nâng cao chất lượng hạt gạo. Xuất khẩu phải đủ sức cạnh tranh, phải bán được. Vấn đề này nên qui hoạch phần diện tích sản xuất có năng suất, chất lượng cao. Diện tích còn lại cần phải chuyển đổi. Hiện nay ở rất nhiều nơi bà con nông dân, các nhà khoa học có những sáng kiến tuyệt vời. Chính phủ nên lắng nghe, tìm hiểu để cho ra những hình thái sản xuất phù hợp.
Chúng ta thấy, trong thực tế, tiềm năng sinh học của đất nước rất phong phú, cả trên cây trồng và vật nuôi. Ở bất cứ vùng nào cũng có những đối tượng hấp dẫn có thể triển khai sản xuất ra những mặt hàng có giá trị kinh tế cao.
Người nông dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản hiệu quả hơn trồng lúa
Tôi ngạc nhiên khi sang Mỹ thấy người ta tiêu thụ một số lượng khổng lồ khoai sọ, còn ở mình trồng ra sợ không bán được cho ai. Chúng ta phải hướng tới xuất khẩu. Trên Tây nguyên, cây bơ và cây mắc ca đang được chúng tôi nghiên cứu, đẩy mạnh nhân rộng. Kết quả thật mỹ mãn. Chỉ tiếc rằng, chưa ai đứng ra nghiên cứu để chế biến thành các sản phẩm hàng hóa đa dạng cả. Trong khi ở Thái Lan, Nhật, người ta chế biến mắc ca thành những sản phẩm tuyệt vời và xuất khẩu sang cả Việt Nam với giá rất đắt. Tại sao chúng ta không nghĩ ra việc chế biến bơ thành bột bơ dinh dưỡng cao cấp? Chúng ta còn vô vàn đối tượng chưa được nghiên cứu để giúp bà con nông dân tăng thu nhập.
Bảo thủ, trì trệ cũng là tội
Như ông nói, chuyển đổi là xu thế tất yếu, ở các địa phương, từ lãnh đạo đến người dân cũng nhận thức được vấn đề này nhưng họ rất ngại có ý kiến, thà chấp nhận làm chui. Vì sao thế, thưa ông?
Vấn đề chuyển đổi ở các nước trên thế giới được triển khai rất quyết liệt. Ở ta thì có chủ trương chuyển đổi thật đấy, nhưng nhiều khi nói lại không làm, làm thì bị kỷ luật vì vướng mắc điều này điều nọ.
Nhìn lại lịch sử, nếu không đổi mới, không có những đồng chí như Nguyễn Văn Linh, thì không biết đến bao giờ chúng ta mới hết bao cấp, mới hết cảnh ăn gạo phiếu. Nói thế để hiểu rằng, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Lãnh đạo kém, trì trệ, không chịu lắng nghe, bảo thủ, để dân nghèo, dân đói, là có tội.
Tôi còn nhớ, có một vị nguyên là lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đã nghỉ hưu, lúc đầu khi nghe tôi nói về việc phải giảm diện tích trồng lúa, ông nói như quát: Không được, đây là chủ trương của Trung ương rồi. Dứt khoát không thể thay đổi được. Nhưng hơn một năm sau, tức là hôm nay thì ông lại nói ngược lại một trăm phần trăm là cần phải chuyển đổi. Chúng ta phải bỏ tư tưởng bảo thủ, cố hữu, trì trệ, coi thường sức lao động, sức sáng tạo của người khác. Phải phát huy tính sáng tạo của nhân dân. Những mô hình mới, những sản phẩm mới, những phương pháp mới cần được tuyên dương và nhân rộng nếu như có hiệu quả. Phải bỏ ngay những rào cản vô lý gây cản trở sản xuất, cản trở nông dân.
Về mặt nghiên cứu khoa học chẳng hạn, trong lúc công nghệ sinh học đưa vào đang hết sức chậm chạp lại còn gặp một số người không làm, chỉ hay nói. Hiệu quả của việc nghiên cứu xuất khẩu, tuy báo cáo rất nhiều nhưng kết quả đâu? Rất nhiều đơn vị nghiên cứu biến thành những cỗ máy nghiền tiền của Nhà nước mà hiệu quả để áp dụng giúp người dân lại vô cùng thấp.
Nói thế có nghĩa là ông đã chứng kiến nhiều vướng mắc, rào cản về việc chuyển đổi trong thực tế?
Nhiều. Rất nhiều là đằng khác. Tôi biết những người muốn nuôi cầy hương, nuôi tắc kè…, chưa kịp làm giàu đã bị hặm họe. Cuối cùng họ phải giải quyết bằng tiền. Tôi biết, có một đồng chí Chủ tịch xã ở tỉnh Cà Mau, khi thấy đồng ruộng hàng trăm ha của người dân địa phương bị nhiễm mặn, năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế thấp ông đã đào ruộng nhà mình lên để nuôi tôm. Một mô hình chuyển đổi rất hiệu quả về kinh tế, nhưng khi bị phát hiện đồng chí đó đã bị cách chức, kỷ luật Đảng vì không thực hiện chủ trương an toàn lương thực của Nhà nước. Tác động làm biến dạng đất lúa, chuyển đổi không theo qui hoạch...
Thực tiễn ấy khiến người ta sợ chuyển đổi, sợ nói về chuyển đổi. Cách đây một, hai tháng, bản thân tôi từng phát biểu trên báo rằng: Cần phải giảm bớt diện tích trồng lúa. Sau khi phát biểu tôi nhận được hàng loạt ý kiến hoan nghênh của các nhà khoa học. Họ nói rằng đúng quá, hay quá, cần thiết quá. Thì ra bản thân họ biết rõ hiệu quả, nhưng tại sao không ai lên tiếng? Nguyên nhân là vì ngại đụng chạm, ảnh hưởng, vì đang công tác nên không dám nói.
Hãy mở đường cho sáng tạo
Nhà nước kêu gọi người dân chuyển đổi để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng ở nhiều địa phương, người dân phải hưởng ứng lời kêu gọi ấy bằng cách làm chui, chấp nhận vi phạm, như ở Ninh Bình chính là ví dụ sống động. Ông nghĩ sao về thực trạng ấy?
Thực tế, chúng ta có những chính sách xa rời ước vọng của người nông dân. Ở những vùng sản xuất lúa không đạt năng suất cao vì chất đất kém, chi phí đầu vào cao, ruộng đồng manh mún…, nhưng chúng ta lại không mở đường cho nông dân chuyển đổi vì nhiệm vụ chính trị là giữ đất lúa của địa phương. Cụ thể, theo Nghị định 42 về việc bảo vệ đất lúa, để chuyển đổi một mét vuông đất lúa cũng phải trình Thủ tướng. Làm sao người nông dân có thể làm được chuyện đó. Vì vậy mà nông dân phải làm chui. Nực cười ở chỗ, những mô hình làm chui lại giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên giàu có. Tại sao chúng ta không hợp lý hóa cho họ đi? Việc làm của họ, sáng kiến của họ, hướng đi của họ hết sức sáng sủa, đáng ra chúng ta phải khuyến khích chứ. Đến bao giờ chúng ta mới thay đổi được những quan điểm này? Tôi nghĩ rằng, Quốc hội, Chính phủ phải xem xét, mở đường cho những sáng tạo, vượt qua khỏi rào cản hiện nay. Các chính sách phải linh hoạt, cởi mở, thông thoáng, để người dân, các nhà khoa học, các chuyên gia ngành nông nghiệp có thể suy nghĩ tìm tòi và đưa các đối tượng mới vào, phù hợp, đạt hiệu quả cao hơn.
Thực tế ở các địa phương, người dân, thậm chí là một số lãnh đạo cơ sở phàn nàn rằng, chuyển đổi đất sang làm sân golf, sang khu công nghiệp sao mà nhanh thế. Còn chuyển đổi đất lúa sang cây trồng có hiệu quả hơn lại phải chịu cảnh làm chui. Quả là bất công phải không ông?
Cho đến bây giờ chúng ta mới đau đớn thấy rằng, có rất nhiều dự án, đề án phá vỡ sức mạnh người nông dân bằng cách lấy đất của họ một cách vô lý. Tôi còn nhớ, có một ông Bộ trưởng, trước khi về hưu đã ký phê duyệt tới 25 dự án xây dựng sân golf. Trời ơi, đất sân golf có mấy người đến chơi? Đất nước mình còn khó khăn, sao không nghĩ đến nông dân mà lại nghĩ đến sân golf? Ở mình, tư duy nhiệm kỳ, khái niệm “hạ cánh an toàn” nhiều khi kìm hãm sự sáng tạo. Không dám đột phá đã đành, lại còn bó buộc người khác. Một số nước, những vị lãnh đạo làm sai, cho dù có về hưu vẫn cứ bị gọi ra chịu tội. Ở Hàn Quốc, 2 ông Tổng thống nghỉ rồi còn bị tòa án luận tội đó sao? Việt Nam mình có nên áp dụng như thế không? Còn với người nông dân, trong tất cả các cuộc chiến tranh vệ quốc, họ là tầng lớp hi sinh nhiều nhất để giành độc lập. Hãy nhớ lấy điều đó trước khi lấy đất của họ.
Xin cảm ơn ông!
"Tôi đã chứng kiến nhiều bài học về chuyển đổi, nhưng do cách làm manh mún đã dẫn đến thất bại. Nông dân mình không phải những người hèn. Họ sáng tạo, chịu khó, cần cù, thông minh lắm. Chính vì vậy mà Quốc hội nên xem xét và có ý kiến với những chính sách không thực tế, gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là những chính sách ảnh hưởng đến đời sống người nông dân". (Ông Nguyễn Lân Hùng).