Những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng diện tích rừng, từ độ che phủ vào khoảng 70% đầu thế kỷ XX xuống còn 43% vào giữa thế kỷ và xuống thấp nhất vào giai đoạn đầu thập niên 90 của thế kỷ trước khi diện tích rừng chỉ còn khoảng 28%.
Sự suy giảm nhanh chóng các diện tích rừng cũng đồng nghĩa với việc giảm những bể chứa cacbon tại các khu rừng nhiệt đới, làm tăng các chất khí nhà kính thông qua quá trình chuyển đổi sử dụng đất... tác động đáng kể gây BĐKH toàn cầu.
Trước xu thế đó, vấn đề cấp thiết đặt ra không chỉ với Việt Nam là phải thúc đẩy quá trình phục hồi các HST rừng. Chính vì thế, ngay từ năm 1995, nhiều chương trình trồng rừng đã được thực hiện, đặc biệt là Chương trình 661/5 triệu ha rừng. Chỉ tính riêng trong khuôn khổ Chương trình 661/5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010, đã có 2,45 triệu ha rừng được trồng mới và 0,9 triệu ha được khoanh nuôi tái sinh rừng…. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp lý quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030… để định hướng cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã triển khai nhiều dự án về phục hồi và quản lý rừng. Một trong những dự án điển hình được nhắc tới là “Trình diễn năng lực phục hồi rừng và quản lý rừng bền vững ở Việt Nam” do Mạng lưới phục hồi và quản lý rừng bền vững châu Á - Thái Bình Dương (APFNet) tài trợ 499.750 USD. Dự án được khởi động từ tháng 9/2010 và kết thúc vào tháng 12/2012, không chỉ tổng hợp và áp dụng các kỹ thuật tốt nhất trong phục hồi, quản lý rừng bền vững mà còn thí điểm phục hồi và quản lý rừng cho hai cộng đồng dân tộc thiểu số ở hai huyện của tỉnh Phú Thọ. Kết quả: 100 ha rừng thứ sinh suy thoái nghiêm trọng đã được làm giàu bằng việc trồng 6 loài cây lâm sản ngoài gỗ và 5 loài cây gỗ bản địa.
Các cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong các mô hình đều sinh trưởng tốt và hứa hẹn cung cấp giá trị kinh tế cao; người dân địa phương được giới thiệu và học tập những kỹ thuật chăm sóc rừng tốt nhất....
Với những nỗ lực đó, đến hết năm 2012, tổng diện tích rừng của Việt Nam đạt 13.862.043ha, tỷ lệ che phủ đạt 40,7%. Với đà phát triển này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 nâng độ che phủ rừng lên 47%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đó mới chỉ là bước đầu tiên trong việc phục hồi HST rừng và những khu rừng này chỉ đáp ứng được những chức năng cơ bản của rừng, tạo ra được sản phẩm nâng cao thu nhập cho người dân, chứ chưa phát huy được vai trò nhiều trong điều hòa khí hậu nói chung cũng như giảm thiểu các tác hại của tự nhiên như lũ lụt, trượt lở, hấp thụ các khí có khả năng gây ô nhiễm môi trường nói riêng. Và cũng theo tính toán của các chuyên gia thì trong các loại rừng ở Việt Nam hiện nay, rừng giàu mới chỉ chiếm 5%, rừng trung bình chiếm 15%, 80% diện tích rừng còn lại chủ yếu là rừng sinh thái hoặc rừng trồng mới, mang lại ít giá trị đa dạng sinh học cũng như dịch vụ HST.
Để tiếp tục thúc đẩy tiến trình phát triển, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với BĐKH, ông Võ Thanh Sơn, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường cho biết, trong thời gian tới, một mặt cần tiếp tục phủ xanh những vùng đất bị suy thoái, mặt khác cần khuyến khích những giải pháp phục hồi HST rừng, đặc biệt là trồng rừng với các loài bản địa để tăng giá trị đa dạng sinh học, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn trong hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn./.
Một số điển hình phục hồi HST rừng tiêu biểu của Việt Nam trong thời gian qua là: Phục hồi HST rừng ở Mã Đà (tỉnh Đồng Nai), phục hồi HST rừng ngập mặn Cần Giờ, hay phục hồi rừng bảo vệ môi trường trên vùng khắc nghiệt có nguy cơ sa mạc hóa tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận….