Một trong những nông dân nuôi thành công đầu tiên là ông Trần Văn Bình (tên nhân vật được thay đổi) ở xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).
Nuôi "thử", thắng thiệt
Ông Phan Hữu Hội, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Tiền Giang) cho rằng cá hô là loài sinh vật còn nằm trong sách đỏ dưới dạng bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, từ gần 10 năm qua, Trung tâm thủy sản nước ngọt đã cho sinh sản thành công thì lượng cá giống bán cho người nuôi ở ĐBSCL rất nhiều nên loại cá này gần như không còn nguy cơ tuyệt chủng nữa.
Ông Bình cho biết khoảng đầu năm 2010, đọc thông tin trên mạng thấy cán bộ Trung tâm thủy sản nước ngọt bán giống cá hô nên đã mua về nuôi thử, thấy được nên đầu tư lớn và đã thành công.
Thời điểm đó, nhà ông nuôi cá tai tượng. Tuy nhiên, sau thời gian, loại cá này bị bão hòa trên thị trường nên giá chựng lại. Ông bèn quay sang nuôi thử nghiệm cá hô. Ban đầu ông nuôi trên chục con. Thấy chúng phát triển tốt, không nhiễm bệnh, tỉ lệ nuôi sống cao nên đã quyết định đầu tư một cách bài bản để "làm thiệt".
Ông Bình kể, 3 hec ta mặt ao ông thả 2.600 con cá hô giống. Sau gần hai năm, không ngờ đã có…tiền tỉ dưới ao. Do cá hô nuôi ít tốn thức ăn, nên mẻ cá đầu, bất ngờ lời trên… 1 tỉ đồng. Bất ngờ, vì lúc đó, ông thu hoạch cá tai tượng. Thấy có cả cá hô, thương lái, ban đầu đến mua cá tai tượng, đã quay sang mua… cá hô. Còn cá tai tượng thì họ trả lời "sẽ mua sau".
Để tránh bị thương lái "đè" giá, ông Bình đã chuyển hướng đầu tư bằng cách giữ lại đàn cá hô thương phẩm theo hướng nuôi ít con, nuôi lâu năm để có cá lớn, bán được giá cao.
" Giờ thì trong ao nhà tui chỉ còn lại khoảng 300-400 con nhưng đa phần là loại cá có trọng lượng trên 10kg, có nhiều con lên đến 20kg"- ông Bình nói. Mà cá hô càng to thì giá càng cao. Thậm chí, thương lái sẵn sàng mua giá trên 500 ngàn/kg. Tính sơ sơ, dưới ao nhà ông Bình lại có tiền tỷ.
Cũng giống như ông Bình, ông Bùi Văn Phước, ngụ xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cũng là người nổi tiếng nuôi cá hô thương phẩm. Ông Phước cho rằng do ít vốn nên sau hai năm là ông bán hết, tuy giá cá nhỏ có thấp hơn cá lớn nhưng nếu so với làm lúa thì nuôi cá hô thu lãi cao hơn làm lúa 2-3 lần.
" Tui nuôi cá hô bắt nguồn từ việc nuôi cá tra (ương cá bột) bị thua lỗ. Khoảng năm 2013, nghe Trung tâm thủy sản nước ngọt có bán giống cá hô nên mua về nuôi thử, thấy có lời nên gắn bó tới ngày nay" - ông Phước chia sẻ.
Xóa nguy cho "cá vua"
Cần nhắc lại, việc nhân giống và nuôi thành công cá hô là thành quả từ công trình nghiên cứu của các cán bộ Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trung tâm thủy sản nước ngọt).
Ông Thi Thanh Vinh, cán bộ Trung tâm thủy sản nước ngọt, tác giả của công trình nghiên cứu "Một số đặc điểm sinh học và thử nghiệm nghiên cứu sinh sản cá hô", cho rằng từ ngày nhân giống cá hô thành công, Trung tâm thủy sản nước ngọt đã được cấp chứng nhận bản quyền nhân giống nên việc bán giống cho người nuôi là rất phổ biến. Hiện mỗi năm trung tâm sản xuất vài trăm ngàn con giống cung cấp cho thị trường nên có thể coi là cá hô không còn nguy cấp, cần được bảo vệ nghiêm ngặt nữa.