Nghề đánh bắt sứa đã và đang mang lại nguồn thu nhập ống định cho ngư dân địa phương, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu du lịch biển riêng biệt của khu du lịch biển Hải Tiến.
Nguồn thu nhập ổn định, hiệu quả cao
Mỗi ngày, gần 400 chiếc tàu vươn khơi để khai thác sứa, trong đó nhiều bè mảng đánh bắt được từ 300 - 700 con, thậm chí lên đến 1.500 con/ngày. Trung bình, giá sứa tươi dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/con, mang về thu nhập từ 4.5 - 10 triệu đồng/ngày/chuyến.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao, ngư dân Hoằng Trường đã mạnh dạn đầu tư tàu công suất lớn để vươn khơi ra các vùng biển xa như Vân Đồn (Quảng Ninh), Cô Tô (Hải Phòng) để khai thác sứa. Việc bán sứa ngay trên biển cho các đội tàu dịch vụ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và mang lại doanh thu đến hàng trăm triệu đồng/mùa.
Trái với nhiều loại hải sản khác cần đầu tư thiết bị, đi xa bờ hay kỹ thuật cao, việc khai thác sứa biển tại Hoằng Trường đơn giản hơn rất nhiều. Dụng cụ câu, lưới thả các loại, chi phí đầu tư thấp nhưng lại mang về hiệu quả nhanh chóng. Sứa sau khi được khai thác, ngư dân có thể bán ngay trên bãi biển cho thương lái hoặc tiến hành sơ chế tại chỗ.
Hàng trăm tấn sứa được bà con đánh bắt mỗi ngày
Trung tâm chế biến sứa biển quy mô lớn nhất Thanh Hóa
Hoằng Trường hiện có 5 cơ sở chế biến sứa quy mô lớn và hàng chục cơ sở nhỏ lẻ, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương. Quy trình chế biến bao gồm các công đoạn: Cắt tách bộ phận (mình, chân, tay sứa), đưa vào lò quay lấy nhớt, vắt nước, ngâm muối, đảo đều với phèn trong 4 - 5 ngày cho đến khi sứa chín. Sứa đạt chuẩn sẽ trong, không tanh và giòn.
Thị trường sứa chế biến tại Hoằng Trường đang rất sôi động, với giá bán giao động từ 180.000 - 200.000 đồng/thùng 10kg đối với thân sứa (sứa dù), và 350.000 - 400.000 đồng/thùng 10kg với chân, tay sứa.
Món ăn từ biển trở thành đặc sản xứ Thanh
Sứa biển không chỉ là nguồn thu nhập kinh tế, mà còn trở thành nguyên liệu cho nhiều món ăn đặc sản mang hương vị biển. Trong đó, nộm sứa là món ăn được yêu thích mỗi mùa hè, kết hợp sứa trộn với hoa chuối, đu đủ, cà rốt, rau thơm, đường, vừng, lạc... Tất cả tạo nên hương vị tươi mát, giòn ngon khó cưỡng.
Với đầu ra ổn định từ thị trường trong nước đến xuất khẩu sang Trung Quốc, nghề khai thác và chế biến sứa tại Hoằng Trường đang trở thành hướng đi đáng chú ý trong phát triển kinh tế biển địa phương. Dự kiến năm 2025, Hoằng Trường sẽ thu về 90 tỷ đồng từ nghề sứa biển.
Để nghề phát triển bền vững, chính quyền địa phương và ngành thuỷ sản Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thu hoạch, chế biến sứa đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ gìn danh tiếng cho đặc sản biển xứ Thanh.