Dịch bệnh hiện là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với ngành nuôi trồng thủy sản ở Na Uy. Các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra khiến sức khỏe của cá bị ảnh hưởng, giảm lợi nhuận và tác động tiêu cực tới nguồn lợi tự nhiên. Do vậy, kiểm soát dịch bệnh tốt là yếu tố rất quan trọng. Công trình nghiên cứu luận án tiến sĩ của bà Marit Stormoen tập trung vào việc kiểm soát các bệnh tuyến tụy và rận cá hồi trong ngành nuôi trồng thủy sản của Na Uy.
Bệnh tuyến tụy (PD ) là một căn bệnh do virus do Salmonid Alphavirus 3 (SAV3) hoặc Salmonid Alphavirus 2 gây ra, hiện đang lây lan dọc theo bờ biển Na Uy,. Bà Stormoen đã so sánh tỷ lệ tử vong ở các trang trại nuôi cá bị nhiễm bệnh và không bị nhiễm bệnh tuyến tụy ở Na Uy trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2007. Theo đó, tỷ lệ tử vong ở các trang trại mắc bệnh tuyến tụy có dấu hiệu giảm trong giai đoạn 2004-2007, song tỷ lệ này lại là rất khác nhau giữa các trang trại.
Phân tích của bà Stormoen cũng chỉ ra rằng không chỉ có nhiệt độ của nước mới tác động tới tỷ lệ tử vong ở các trang trại nuôi cá bị nhiễm bệnh tuyến tụy. Căn bệnh này còn chịu ảnh hưởng bởi các mùa và mùa xuân là mùa có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa xác định được sự khác nhau về mức độ nguy hiểm giữa căn bệnh do các loại virus SAV3 gây ra (các nghiên cứu trước đó đã cho thấy các chủng virus này không có sự khác biệt về gen). Trong quá trình nghiên cứu, bà Stormoen đã thu thập cá bị nhiễm bệnh từ 9 trang trại nuôi cá ở Na Uy bị mắc bệnh tuyến tụy, từ đó sơ đồ hóa toàn bộ vật liệu di truyền của virus gây bệnh (trình tự bộ gen đầy đủ).
Nghiên cứu của bà Stormoen trùng khớp với những phát hiện trong các nghiên cứu từng phần về trình tự bộ gen được thực hiện trước đó: vật liệu di truyền (gen) của virus rất ít thay đổi. Tuy nhiên, qua nghiên cứu này, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra rằng một số phần của vật liệu di truyền của virus bị thiếu hụt. Sự thiếu hụt này đã được tìm thấy ở các loại vật liệu di truyền cũng như trong tất cả các dòng vô tính, tuy nhiên trong một số trường hợp, việc mất gen gây ra tác động mạnh hơn những trường hợp khác. Việc thiếu hụt vật chất di truyền có thể là nguyên nhân khiến cho việc tách SAV3 khỏi cá bị bệnh mà không sử dụng nuôi cấy tế bào trở nên khó khăn.
Rận cá hồi là một loại ký sinh trùng tự nhiên trong vùng biển Na Uy, nhưng do mật độ vật chủ cao khiến cho mật độ của ký sinh trùng ở các vùng lân cận của trại cá rất cao. Do đó, quan trọng nhất là cần tìm ra cách để kiểm soát sự lây lan của ký sinh trùng từ các trại cá sang môi trường tự nhiên.
Chu kỳ sinh sản của rận cá hồi yêu cầu sự xuất hiện của cả hai cá thể rận đực và rận cái trên cùng một vật chủ. Khi mật độ của các cá thể rận thấp, cơ hội tiếp xúc và sinh sản cũng giảm đi, do vậy tỷ lệ sinh sản của rận và mức độ ảnh hưởng của chúng tới vật nuôi cũng giảm. Bà Stormoen cũng sử dụng một mô hình toán học để tính tỷ lệ sinh sản của rận dựa trên các biến số về mật độ cá thể rận tại môi trường.
Các kết quả của nghiên cứu sinh sản đã được tích hợp vào một mô hình nhằm dự đoán mật độ tối ưu cho điều trị rận và mức độ tác động của nó lên các khu vực xung quanh các trang trại nuôi cá đối với tổng lượng trứng rận. Bà Stormoen phát hiện ra rằng mật độ rận ở một trang trại chủ yếu là do tự nhiễm nhưng ban đầu là do lây nhiễm từ các trang trại lân cận hoặc môi trường bên ngoài. Do đó, các trại cá nên đảm bảo vệ sinh, duy trì mật độ rận cá ở mức thấp nhất có thể để giảm thiểu lây nhiễm từ môi trường xung quanh.