Tuy nhiên cho đến nay, các loại sản phẩm này trên thị trường rất nhập nhằng chất lượng và khó kiểm soát, nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chọn sản phẩm sử dụng hiệu quả.
Sóc Trăng có trên 200 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn thuốc thú ý thủy sản. Ngoài hàng ngàn loại thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường được bán tại các cơ sở này, thì hiện nay còn có tình trạng không bán qua đại lý mà được những người tự xưng là nhân viên công ty xuống điều trị và bán thuốc trực tiếp cho ao nuôi, với chất lượng không rõ tốt xấu, không chỉ làm nông dân lúng túng mà ngay cả các ngành chức năng cũng rất khó kiểm soát.
Do đó, Ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: Để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì chính người nuôi trồng thủy sản phải là người tiêu dùng thông minh, phải lựa chọn những thương hiệu có uy tín, lâu năm; sản phẩm có nhãn mác rõ ràng, không vì giá thấp mà mua hàng trôi nổi. Về góc độ quản lý, cơ quan chức năng ngoài việc thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn có giao thông thuận lợi còn cần phải tăng cường kiểm soát ở các cơ sở kinh doanh vùng sâu, ở các vùng nuôi, các hộ dân nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kém chất lượng tìm cách bán hàng trực tiếp cho nông dân với giá rẻ. Kỹ sư Lê Văn Hăng – Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế - Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, thời gian qua, người nuôi tôm chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm soát sử dụng vật tư đầu vào trong quản lý ao tôm. Để nâng cao nhận thức cho người nuôi thủy sản, Chi Cục Thủy sản khuyến cao: Đối với con giống bà con phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc trước khi mua. Cơ sở cung cấp con giống phải được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh. Con giống mua về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi sản xuất giống. Còn với vật tư nuôi trồng thủy sản, bà con nên chọn những mặt hàng trong danh mục được phép lưu hành. Trong sử dụng các vật tư nuôi trồng cần đúng liều lượng, đúng cách theo hướng dẫn. Thường xuyên theo dõi sức khỏe của tôm trong quá trình sử dụng các vật tư nông nghiệp trong ao nuôi”.
Ông Dương Thành Quang, nông dân nuôi tôm ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết, hiện nay thị trường thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi tôm có rất nhiều loại sản phẩm có tên gần giống nhau của nhiều công ty với nhiều công dụng. Do đó, nông dân không biết sản phẩm nào thật giả, chất lượng ra sao. Chỉ khi nào sản phẩm mua về sử dụng thấy không đạt hiệu quả mới biết là sản phẩm kém chất lượng và chỉ biết mua sản phẩm khác về sử dụng tiếp.
Hiện nay bà con ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Long Phú và Cù Lao Dung đã thả giống được trên 2.400ha tôm nước lợ, riêng huyện Mỹ Xuyên đa số bà con đang cải tạo và xử lý ao. Ngay thời điểm này, bà con cần có những lựa chọn đúng về những sản phẩm xử lý môi trường chất lượng, để có khởi đầu tốt nhất cho vụ nuôi. Theo Kỹ sư Liễu Nghĩa Tín - Phó Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên, khuyến cáo thì lịch mùa vụ thả nuôi tôm trên địa bàn huyện bắt đầu từ đầu tháng 5 kéo dài đến tháng 7. Còn tháng 3, tháng 4 bà con nên tập trung cải tạo ao thật kỹ, tranh thủ thời tiết nắng nóng làm vệ sinh bờ ao và phơi đáy ao để giải phóng các độc tố trầm lắng trong ao của vụ nuôi trước”.
Kiểm tra chất lương ươm giống tôm ại các cơ sở cung cấp giống
Trong giai đoạn đầu vụ, yếu tố đầu vào quyết định đến 50% thành bại của vụ nuôi là con giống. Thực tế nông dân rất khó kiểm tra chất lượng con giống bằng máy móc công nghệ cao, do đó lựa chọn các cơ sở cung cấp uy tín có thương hiệu sẽ đảm bảo độ tin cậy cao hơn cho bà con. Anh Mã Văn Hồng – Giám đốc HTX Nông ngư ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Hiện nay cái khó của người mua giống là chưa tiếp cận được với các loại giấy tờ chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch của con giống. Còn về các loại vật tư phục vụ nuôi tôm thì tôi thường mua ở những cửa hàng lớn, có uy tín”.
Trước những yêu cầu gắt gao của thị trường trong và ngoài nước, việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào trong nuôi trồng thủy sản được các địa phương xem là điều cấp bách. Tuy ban đầu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các giải pháp kiểm soát chất lượng tôm ngay từ khâu thả nuôi ở các hộ dân, bao gồm: giống, thức ăn, hóa chất, kháng sinh, đang được các địa phương tiến hành sâu sát. Thời gian tới, các ngành chuyên môn sẽ tăng cường đội ngũ thú y thủy sản, khuyến cáo và hướng dẫn bà con xử lý dịch bệnh, thay cho việc các hộ nuôi tự ý chẩn bệnh và chữa trị cho tôm như hiện nay. Tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, sớm đầu tư vùng nguyên liệu, hoặc liên kết sản xuất với các hộ nuôi trên cơ sở cung cấp giống và vật tư, kiểm soát chất lượng từ khâu đầu để chủ động nguồn nguyên liệu sạch, an toàn thực phẩm.