Độ kiềm, độ pH ở mức cho phép
Độ kiềm được định nghĩa là độ chỉ khả năng trung hòa axit của nước, thể hiện tổng số các ion có tính bazơ trong nước như: Hydroxit – OH–; bicarbonate HCO3– và carbonate CO32-. Hay nói cách khác, độ kiềm là tổng hàm lượng chất khoáng như Canxi, Magie, Kali… ở dạng muối mà quan trọng nhất là muối Canxi Cacbonat (CaCO3) và Magie Cacbonat (MgCO3) ở trong nước, thức ăn hoặc việc ta bổ sung vào ao tôm để giúp việc lột xác của tôm tốt hơn, cứng vỏ và giúp pH của nước ổn định.
Đối với từng loài nuôi và thời điểm thả, mức độ kiềm thích hợp sẽ khác nhau.
Ví dụ như đối với tôm mới thả, độ kiềm thích hợp là 100-120 ppm. Đối với tôm 45 ngày tuổi trở lên, độ kiềm thích hợp là 120-150 ppm, còn với tôm 90 ngày tuổi trở lên, độ kiềm thích hợp là 150-200 ppm. Riêng tôm sú là từ 80 – 120 mg CaCO3/l để đảm bảo tôm phát triển.
Tác động xấu của biến động độ kiềm trong ao nuôi
Sự biến động của độ kiềm là việc cần được quan tâm đặc biệt, vì như vậy nếu bà con phát hiện kịp thời sẽ có thể xử lý khắc phục nhanh chóng, tránh gây thiệt hại ảnh hưởng tôm.
Đối với độ kiềm thấp
Khi độ kiềm quá thấp, hoặc giảm đột ngột độ kiềm trong ao nuôi tôm thì độ pH biến động mạnh. Dễ khiến tôm nuôi bị stress, mệt mỏi và thậm chí có thể dẫn đến chết tôm. Hiện tượng giảm đột ngột độ kiềm thường gặp nhất vào mùa mưa. Kéo dài tình trạng này sẽ khiến tôm chết dần, hoặc gặp phải tình trạng vỏ ngoài mềm nhũn.
Độ kiềm thấp do một số nguyên nhân như: nguồn nước có độ kiềm thấp, ao có ốc, vẹm, hến, nhuyễn thể hai mảnh vỏ chúng ăn tảo và hấp thụ muối carbonat làm độ kiềm trong nước giảm xuống thấp. Hoặc do đáy ao bị nhiễm phèn, ao bị đóng rong, không có rong nổi,...
Độ kiềm thấp ảnh hưởng sự phát triển của tôm. Ảnh: Dung Dung
Đối với độ kiềm cao
Độ kiềm trong ao nuôi tôm cao thì độ pH của ao càng ổn định. Nhưng khi độ kiềm quá cao vượt ngưỡng chịu đựng, tôm nuôi rơi vào trạng thái chậm lớn, vỏ ngoài xơ cứng.
Nguyên nhân khiến độ kiềm trong ao ở mức cao chính là do bón vôi quá nhiều, nước cấp có độ kiềm cao, đặc biệt là ao nuôi sử dụng nước giếng khoan. Trong trường hợp độ kiềm cao > 200 ppm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lột xác của tôm vì thế cần phải giảm độ kiềm.
Ngoài ra, khi tảo trong ao phát triển nhiều, quá trình quang hợp của chúng sẽ giải phóng Carbonat làm tăng kiềm rất nhanh.
Làm sao để xác định độ kiềm?
Hiện nay, có rất nhiều cách để kiểm tra độ kiềm của ao.
Thứ nhất, đem mẫu nước ao đến các cơ sở xét nghiệm các chỉ tiêu nước gần khu vực nuôi để kiểm tra độ kiềm
Thứ hai, có thể mua sản phẩm kit test của bất kỳ công ty nào trên thị trường để có thể tự kiểm tra tại ao nuôi mà không cần di chuyển xa
Thứ ba, bà con có điều kiện có thể mua máy đo độ kiềm trên các trang thương mại điện tử. Máy đo cho ra kết quả gần như chính xác nhất có thể, nhanh chóng và dễ dàng nhất.
Đo độ kiềm bằng máy
Từ kết quả đo độ kiềm, bà con đã có thể xác định được độ kiềm trong ao là đang cao hay thấp, từ đó xem xét và có hướng giải quyết cho phù hợp, kịp thời trước khi tôm nuôi bị ảnh hưởng.
Cách tăng độ kiềm trong ao tôm
Thay nước từ 5 – 10%/ngày bằng nước có độ kiềm từ trung bình đến cao hoặc có thể bón vôi để tăng độ kiềm cho ao nuôi.
Cách giảm độ kiềm trong ao tôm
Để giảm độ kiềm cần thay nước 3 lần/ tuần khoảng 20 – 30% lượng nước trong ao nuôi.
Tăng cường sử dụng vi sinh để ổn định tảo.
Sử dụng EDTA : 2 – 3 ppm
Tóm lại bà con nên kiểm tra và quản lý các chỉ tiêu môi trường của ao nuôi thường xuyên. Từ đó có thể kiểm soát tốt sự biến động của độ kiềm, độ pH một cách dễ dàng.