Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòn Thơm Nguyễn Hoàng Ba, trước đây Hòn Thơm là xã nghèo nhất của huyện Phú Quốc, việc đi lại cũng khó khăn nhất. Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, xã phát động bà con chuyển đổi ngành nghề (từ các tàu đánh bắt hải sản công suất nhỏ không hiệu quả sang nuôi ốc hương, cá lồng bè) đã phát huy hiệu quả đáng kể. Các dịch vụ du lịch (chở khách tham quan các đảo nhỏ, lặn ngắm san hộ, câu cá…) cũng đem lại công ăn việc làm cho người dân. Lượng du khách đến đảo mỗi năm đều tăng (trung bình trên 100.000 lượt khách/năm), góp phần quan trọng vào tổng thu 135 tỉ đồng từ dịch vụ thương mại - du lịch mỗi năm của xã đảo này. Nhờ vậy, đến nay toàn xã có 20% số hộ khá giàu; mức thu nhập đầu người tăng lên 35 triệu đồng/năm (năm 2003 khi mới thành lập xã chỉ 4 triệu đồng/năm). Toàn xã hiện có 164 tàu đánh bắt hải sản với sản lượng bình quân 700 tấn/năm; nuôi trồng hải sản đạt 30 tấn/năm… Đến nay, xã Hòn Thơm chỉ còn 1,33% hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2016 xóa hoàn toàn hộ nghèo.
Vẫn theo ông Nguyễn Hoàng Ba, nghề nuôi cá lồng bè là một trong những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao nhất ở Hòn Thơm. Hiện toàn xã có hơn 60 bè với trên 300 lồng. Ông Trương Thanh Liêm - ngụ ấp Bãi Chướng, một trong những hộ nuôi cá bớp, cá bóng mú nhiều nhất xã - cho biết, sau khi trừ chi phí nuôi, mỗi năm ông còn lãi 700 - 800 triệu đồng. “Việc nuôi cá lồng bè phụ thuộc vào môi trường nước tự nhiên nên khó kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, khi người dân đã có kinh nghiệm nuôi vài năm thì không còn lo ngại nữa. Khi mua con giống, chủ trại cá cũng hướng dẫn và cấp thuốc điều trị…” - ông Liêm nói.