Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tỉnh vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, doanh nghiệp nuôi tôm tăng thêm diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh nhằm tăng năng suất, sản lượng tôm nuôi. Rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.
Theo đó, phấn đấu nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp 2.500 ha trở lên, đạt và vượt kế hoạch năm. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi mới như: lót bạt đáy, hai giai đoạn, biofloc,… để ổn định, ít rủi ro và tăng năng suất tôm nuôi. Toàn tỉnh hiện có hơn 200 ha áp dụng các công nghệ này. Đây là công nghệ thả nuôi mật độ cao, cho năng suất 30 - 40 tấn/ha, tiết kiệm nước, kiểm soát khá tốt các rủi ro dịch bệnh, biến động môi trường,… Tiếp đến, cải thiện hệ thống thủy lợi nhằm chủ động nguồn nước phục vụ nuôi tôm; cung ứng lao động chuyên ngành cho các doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng điện, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng đầu tư nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp, nhất là phát triển những mô hình quy trình nuôi mới, an toàn, bền vững, hiệu quả. Triển khai thực hiện 2 đề án “Ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng CietGAP trên địa bàn tỉnh” và “Quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh nuôi trồng thủy sản đến năm 2020.”
Cùng với đó, đối với các loại hình nuôi tôm khác, đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương, tổ kinh tế kỹ thuật xã hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp quản lý ao đầm nuôi tổng hợp, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết thủy văn, quan trắc môi trường, giám sát mầm bệnh,… để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời khi có những tác động bất lợi đến tôm nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo đối với diện tích tôm đang thả nuôi, nông dân hạn chế việc lấy nước từ các kênh cấp vào ao đầm nuôi tôm do đang mùa mưa lũ, độ mặn, độ kiềm, độ trong giảm thấp, nếu có nhu cầu lấy nước thì buộc phải xử lý trong ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi. Tăng cường công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, nhất là kịp thời phát hiện, xử lý khống chế, dập tắt nhanh các ổ dịch mới phát sinh nhằm tránh lây lan.
Tiếp đến, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong cải tạo ao đầm nuôi tôm, xử lý nguồn nước đạt chất lượng; khuyến cáo lựa chọn con giống khỏe mạnh đã qua kiểm dịch sạch bệnh và mua tôm giống ở những cơ sở sản xuất kinh doanh uy tín; tuyệt đối không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc tiềm ẩn mầm bệnh, không qua xét nghiệm bệnh để thả nuôi dẫn đến phát sinh dịch bệnh gây hại. Hàng ngày kiểm tra chặt chẽ các chỉ tiêu môi trường trong ao đầm nuôi để kịp thời điều chỉnh, xử lý cho phù hợp nếu có sự bất lợi với tôm nuôi; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm nhằm điều chỉnh lượng thức ăn, bổ sung vitamin hoặc các loại thuốc thú y, khoáng chất phù hợp, giúp tôm tăng sức đề kháng, ngăn ngừa dịch bệnh và sinh trưởng phát triển tốt.
Đối với mô hình tôm - lúa đang chuyển sang giai đoạn luân canh trồng lúa trên nền đất tôm, khuyến cáo nông dân không thả giống gối vụ nuôi xen, tập trung phòng chống xâm nhập mặn, thiếu nước tưới và chăm sóc lúa, vừa đảm bảo năng suất, sản lượng, vừa tạo môi trường tốt cho nuôi tôm sau thu hoạch lúa an toàn, bền vững và hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thả nuôi tôm nước lợ 123.250 ha, vượt kế hoạch năm 250 ha, trong đó tôm nuôi công nghiệp - bán công nghiệp 2.484 ha, tôm - lúa 83.183 ha, còn lại nuôi quảng canh cải tiến. Sản lượng tôm thu hoạch 62.886 tấn, đạt hơn 91% kế hoạch, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2017.