Tại xã ven biển Nam Thái, huyện An Biên, ngư dân thả nuôi sò hơn 800 ha, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, sò loại 100 - 110 con/kg, hiện nay giá bán tại bãi nuôi trên dưới 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Thương lái thu mua sò huyết thương phẩm cung cấp cho những thị trường lớn trong nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu. Nhiều hộ ngư dân thu về từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng từ nguồn lợi sò huyết sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất. Họ cho biết, sau 8 - 12 tháng thả nuôi, sò cho thu hoạch; vụ nuôi sò năm nay thời tiết, môi trường, nguồn nước khá thuận lợi, con giống tự nhiên xuất hiện nhiều hơn trước đây nên giảm đáng kể chi phí mua sò giống thả bổ sung.
Ngư dân Hai Dã ở ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, nuôi 60 ha sò huyết, với tổng vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng, hiện thu hoạch gần 50% diện tích, năng suất sò huyết bình quân 1,2 - 1,5 tấn/ha, thu về hơn 1,7 tỷ đồng.
Ông Hai Dã cho biết: Vụ thu hoạch sò năm nay, gia đình đã cầm chắc lợi nhuận 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí sản xuất. Diện tích nuôi sò huyết còn lại chưa thu hoạch, năng suất không dưới 1,5 tấn/ha, với giá thị trường như hiện nay sẽ thu về thêm hơn 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nghề nuôi sò ở đây chưa thật sự ổn định và bền vững, có năm trúng mùa, được giá như năm nay, nhưng cũng có năm thất bại, thua lỗ do ảnh hưởng môi trường nước ô nhiễm, nguồn sò giống tự nhiên suy kiệt do khai thác vô tội vạ, giá sò thương phẩm trên thị trường giảm thấp, trong khi chi phí đầu tư lớn. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến nghề nuôi sò huyết