Theo lý giải của các nhà địa lý thì người xưa đã tạo địa thế phong thủy cho làng với hình cá chép (lý ngư) đang vùng vẫy hướng ra Biển Đông, ý vượt vũ môn hóa rồng. Chính vì vậy mà làng sau này có nhiều người đỗ đạt, khoa bảng, trở thành ngôi làng kỳ lạ bậc nhất Việt Nam.
Địa thế đất thánh "làng hành thiện"
Mỗi một vùng đất thiêng lại có một địa thế, một phương vị thật hài hòa, hợp lý về mặt phong thủy. Đất có hình thế linh thiêng, nước ôm bao hiền hòa trong xanh đẹp đẽ. Ở nơi đó đời sinh người hiền tài cho quê hương, non song đất nước. Một trong những địa thế đẹp và được kiểm chứng qua chiều dài lịch sử là làng Hành Thiện, một ngôi làng cổ thuộc hành lang phủ Thiên Trường, cái tên Hành Thiện có từ đời Lê Trung đời Hưng thứ nhất, năm 1454.
Hành Thiện, tạm giải nghĩa là nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện. Bản đồ làng Hành Thiện mang hình một con cá chép: Đầu hướng Nam, đuôi hướng Bắc, bụng hướng Tây, lưng hướng Đông. Nơi đầu cá có miếu thờ thần Tam giáp, người có công đầu tạo lập làng. Nơi bụng cá là chợ Hành Thiện, cái chợ quê rất đông đúc. Khu dân cư ở từ mang cá đến rốn cá, được chia thành 14 khúc, mỗi khúc cách nhau 60m. Chiều sâu của khúc dài nhất là 600m, khúc ngắn nhất là 200m. Mỗi khúc gọi là một dong. Dong dài được chia làm hai xóm, dong ngắn là một xóm. Từ rốn cá đến đuôi cá là ưng điền (ruộng gieo mạ) và nghĩa trang nhân dân của làng. Đuôi và vây sau của “con cá” có ngôi chùa Keo, xây dựng năm 1588.
Theo xã chí của làng thì Hành Thiện xưa là vườn kim quất của vua Trần. Chạy dọc từ đầu tới đuôi cá là một con đường trục của làng lát gạch nghiêng. Đã hàng trăm năm con đường này hình thành nên hai dãy nhà hai bên như một đường phố, có các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán sầm uất.
Theo cách nhìn của các nhà tử vi thì hình dáng của làng Hành Thiện ở thế cá hoá rồng. Phía “bụng cá” giáp làng Ngọc Tiên có hình giống một nghiên mực; phía “lưng cá” giáp làng Hương Phúc có mảnh đất giống cái ngòi bút. Đầu cá Thành Hoàng ngự, làng sẽ giữ được bản sắc thuần phong. Đuôi cá Nguyễn Minh Không vừa là Thiền sư vừa là thi nhân ngự. Vậy luận theo Phong Thủy và Kinh Dịch thì Hành Thiện là đất phát tiết cho cả chính khách và thi nhân.
Từ xa xưa, vùng này đã có câu ngạn ngữ “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” ngụ ý: Làng Cổ Am thuộc tỉnh Hải Dương xứ Đông xưa (nay là Vĩnh Bảo - Hải Phòng) cùng với làng Hành Thiện của Nam Định có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Tại làng Hành Thiện còn có câu “Trai học hành, gái canh cửi” để nói rằng cái đáng trọng nhất của con trai Hành Thiện là chuyện đèn sách; cái đáng yêu nhất của con gái Hành Thiện là chuyện kéo tơ, dệt vải. Con gái canh cửi thường trắng nõn nà, khéo tay, chăm chỉ.
Cùng lý giải của người xưa
Theo truyền thuyết kể rằng, sau khi đến khai lập làng Hành Thiện, người dân làng Hành Thiện luôn phải sống trong cảnh ngập lụt, đời sống người dân khó khăn, khổ cực. Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao thế đất làng Hành Thiện đẹp nhưng không vượng, làng đã mở hội nghị các bô lão trong làng cùng hiến kế phá thế đất bí vun thêm hiềm khí để dân làng đỡ nghèo khổ và vượng phát.
Xét về mặt vị trí địa lý của làng Hành Thiện phía Đông giáp với làng Ngọc Tiên (bây giờ là Xuân Tiên), phía Nam giáp với làng Thượng Phúc và (bây giờ là Xuân Thượng), làng Hạc Châu (bây giờ là Xuân Châu) phía Nam giáp với sông Ninh Cơ. Về hình dáng thế đất mỗi làng mang một dáng vẻ khác nhau, làng Hành Thiện có dáng vẻ của cá chép đầu hướng về Biển Đông, làng Ngọc Tiên mang dáng vẻ của viên ngọc quý, làng Hạc Châu mang dáng vẻ của hạc (cò) trắng, đầu hạc trắng hướng về phía cá chép đang vượt ngũ môn.
Như vậy theo thói thông thường cá chép ở cạnh hạc (cò) trắng sẽ không có lợi, còn xét theo phong thủy thì thế đất làng Hành Thiện sẽ luôn bị đe dọa bởi những mối hiểm nguy!? Vì thế, theo như giai thoại kể lại, các vị bô lão của làng Hành Thiện đã bàn thảo và đi đến thống nhất sẽ dùng quỹ chung của làng mua lại một đất phần đất công của dân làng Hạc Châu từ phía cổ hạc đến phần mỏ hạc để phá vỡ thế đất không có lợi của làng Hành Thiện. Sau khi mua được phần đất từ cổ hạc đến mỏ hạc, lấy lý do tiện cho việc thủy lợi tưới tiêu phần ruộng mới mua các cụ bô lão trong làng cho các đinh tráng đào mương phân cách phần đất mới mua với phần đất cũ, cụ thể là giữa cổ hạc với thân hình hạc giống như một một sợi dây cắt ngang cổ hạc (cò). Từ đó, người dân làng hành thiện luôn làm ăn phát đạt và thịnh vượng, thi cử đỗ đạt.
Theo giai thoại các cụ trong làng kể rằng: Làng Hành Thiện sau khi được khai lập, dân trong làng ngày càng sinh sôi và phát triển. Nhu cầu về đất đai cày cấy và phát triển nghề nông càng cao, tuy nhiên các vùng đất mới xung quanh làng đã được khai phá hết nên không thể khai phá thêm vùng đất mới. Vì thế làng Hành Thiện đã cho mở hội nghị các vị bô lão trong làng cùng hiến kế mở mang thêm đất đai trồng cấy cho dân làng. Sau khi bàn thảo, các vị bô lão trong làng đã thống nhất sẽ dùng quỹ chung của làng để mua lại phần đất đã được khai hoang nhưng phải làm thế nào để mua được nhiều đất với số tiền ít nhất. Sau khi thỏa thuận mua lại đất trồng trọt của các làng Thượng Phúc, Ngọc Tiên, Thủy Nhai, người dân Hành Thiện thoả thuận sẽ dùng một cây sào để đo. Đất mua sẽ được tính từ gốc cây sào đến gọn cây sào. Nếu ngọn cây sào dài đến đâu sẽ là đất của người Hành Thiện. Để có thể mua được nhiều đất nhưng với cùng một số tiền, người dân Hành Thiện đã đợi cho đến lúc xế chiều, mặt trời đã nghiêng bóng mới bắt đầu đo đất, lúc đó cây sào sẽ là dài nhất và diện tích đất mua sẽ được nhiều nhất.
Bên cạnh đó, câu chuyện dân gian được lưu truyền rộng rãi trong làng thì một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của cụ Tả Ao là chữa “thế đất” cho làng Hành Thiện. Khi tới đây, cụ đã nhận thấy đất làng có hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh.
Dân làng nghe cụ nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin cụ đặt lại hướng làng. Cụ Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu đại phát khoa danh. Tất nhiên, những câu chuyện trên chỉ mang tính giai thoại, nhưng sự “đại phát khoa danh” của vùng đất này thì đến nay không phải bàn cãi.