1. Lựa chọn địa điểm
- Để chọn được địa điểm nuôi thích hợp, cần chú ý đến nguồn nước, chất lượng đất, giao thông, xa các khu vực có nước thải sinh hoạt hay nước sinh hoạt dân cư, …
- Nguồn nước: sạch, gần sông rạch để thuận tiện cho việc cấp và thoát nước.
- Chất lượng đất để xây dựng hệ thống nuôi tốt nhất là đất sét, sét pha cát. Độ pH đất > 6.
- Giao thông thuận tiện cho việc giao và nhận hàng hóa. Nếu nuôi thương phẩm thì cần xây dựng gần các trại giống, hoặc với việc ương giống thì cần lựa chọn nơi thuận tiện cho việc vận chuyển. Chủ động được nguồn điện,...
2. Hệ thống nuôi
Hiện nay, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có 4 loại mô hình nuôi ốc thương phẩm: Nuôi trong ao đất, nuôi trong mương vườn, nuôi trong giai, nuôi trong bể xi măng hay bể lót bạt.
Nuôi ốc bươu trong ao lót bạt. Ảnh: HH - ĐK
3. Xây dựng hệ thống ao nuôi
3.1 Xây dựng ao
Hình dạng ao tùy thuộc vào địa hình chọn làm ao, phổ biến hiện nay hình chữ nhật. Đáy ao nghiêng về cống thoát nước độ dốc (0,5 - 1%). Nên chọn ao cũ để nuôi ốc, nếu sử dụng ao mới thì nên cải tạo ao thật kỹ và xử lý ao đảm bảo chất lượng nước đạt yêu cầu trước khi thả ốc giống.
Ao nuôi phải có cống cấp và thoát nước tách rời nhau. Vật liệu làm cống thường làm bằng tre, gỗ, ống PVC hoặc ống bê tông đúc sẵn. Đường kính cống thay đổi tùy theo khối lượng nước, nhu cầu cấp thoát nước nhanh hay chậm. Hai đầu cống có nắp cống đóng mở được để điều chỉnh mực nước trong ao. Đồng thời, cần có lưới chắn, loại bỏ rác thải, những sinh vật không cần thiết, loại bỏ thiên địch như cua, cá, ốc tạp, …
Hình 2: Ao đất nuôi ốc bươu.
3.2 Cải tạo ao
Tháo cạn nước, sên vét bùn đáy ao, để lại trong ao một lớp bùn phù hợp.
Sủ dụng vôi nông nghiệp (CaCO3), với lượng 10 - 15 kg/100 m2 tùy vào độ phèn của đất. Bón vôi nhằm ổn định phèn ở nền đáy ao, diệt địch hại, sinh vật cạnh tranh với ốc nuôi.
Phơi đáy ao tạo sự khoáng hóa đất, thời gian phơi tùy vào thời tiết, thường phơi khoảng 2 - 3 ngày. Tu sửa bờ lại nhằm đảm bảo bờ ao chắc chắn, không rò rỉ và không có địch hại ẩn nấp trong bờ. Trong trường hợp bờ thấp, có thể bao lưới.
3.3 Chuẩn bị nước nuôi
Nên chọn con nước lớn để lấy được nước sạch, lấy được nhiều nước và thời gian lấy nước nhanh. Nước sau khi chuẩn bị xong phải đảm bảo được các yêu cầu về môi trường sống.
Mực nước lý tưởng của ao nuôi ốc từ 0,8 đến 1,5m. Ốc thường tập trung ở một số khu vực nhất định chứ không phân bố đều, do vậy nên đa dạng ao nuôi bằng cách tạo địa hình có độ nông sâu khác nhau để thuận tiện trong việc chăm sóc, theo dõi.
Bên cạnh đó cần phải đảm bảo về các chỉ tiêu môi trường như:
- Nhiệt độ: thích hợp nhất 22-32°C, nếu nhiệt độ từ 37-39°C thì ốc sẽ sinh trưởng chậm, có thể chết hàng loạt.
- pH: tốt nhất khi pH từ 7,5-9.
- Kiềm: ngưỡng phát triển tốt nhất 78.6 ± 2,6 mg/L
3.4 Chuẩn bị giá thể
Sau khi gây màu nước tiến hành thả giá thể vào ao nuôi, giá thể nuôi ốc chủ yếu là các loại cây thực vật thủy sinh: Lục bình, bèo cái, bèo cám, bèo tai tượng, rau muống, bông súng, ấu,... giá thể thả vào ao trước 15 - 20 ngày để chúng phát triển và chiếm đến 10 - 15% diện tích ao nuôi thì tiến hành thả ốc giống.
4. Chọn và cách thả giống
4.1 Chọn giống
Đặc điểm con giống phải đảm bảo các tiêu chí sau: lựa chọn con giống có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, uy tín; Ốc giống khỏe, đều cỡ và di chuyển tốt; Có màu sắc tươi sáng, không có rong rêu bám; Ốc giống phải còn nguyên vỏ và nắp miệng.
Ốc bươu giống. Ảnh: DV
Kích thước ốc giống trong khoảng 0,4-0,6g/con. Khi vận chuyển ốc giống cần được giữ ẩm, nhưng không được bọc kín bằng túi nilon mà cần tạo độ thông thoáng với môi trường bên ngoài.
4.2 Thả giống
Việc thả ốc giống không giống như các đối tượng khác, ốc rất dễ sốc với môi trường mới, do đó chúng cần một khoảng thời gian để thích nghi với môi trường mới.
Trước khi thả ốc giống cần lấy nước trong ao cho vào thùng chứa, trên mặt nước bố trí vật nổi như lá chuối, tấm xốp,… rải ốc giống lên, sử dụng nước ao tưới lên ốc giống, để chúng tự bò xuống nước. Sau 30-40p theo dõi hoạt động của ốc, những con giống chết cần được loại bỏ.
Mật độ thả giống tùy thuộc vào kích cỡ ốc, 100 -150 con/m2 khi nuôi trong ao và mương vườn (150-200 con/m2 khi nuôi trong bể lót bạt, bể xăng hay giai lưới) không nên nuôi ở mật độ quá dày vì khó quản lí, chăm sóc, có sự cạnh tranh thức ăn và môi trường sống ốc chậm phát triển.
5. Thức ăn
Ốc bươu đồng thức ăn chính chủ yếu là những thức ăn xanh như rau, quả, bèo, … hoặc những thức ăn khác như: bột đậu nành, cám mịn, thức ăn chế biến, … để ốc có khả năng tăng trọng nhanh hơn.
Cần rửa sạch rau chủ trước khi cho ốc giống ăn. Ảnh minh họa
Khi cho ăn là thức ăn xanh như rau thì cần phải rửa lại với nước hoặc rau không có thuốc trừ sâu.
Để ốc tăng trọng tốt nên bổ sung 50% thức ăn xanh + 50% thức ăn khô. Nếu chỉ cho 100% thức ăn tự nhiên ốc sẽ không đạt được cân nặng như mong muốn. Vì trong khẩu phần ăn thiếu đi 2 thành phần thiết yếu cho sự tăng trọng là hàm lượng protein cao (bột cá) giúp phát triển về cân nặng và một số khoáng vi lượng (Canxi) giúp ốc phát triển về vỏ.
Cho ốc ăn 2 ngày/lần, tùy vào khẩu phần mà có thể thay đổi cho phù hợp. Cho ăn lúc sáng thì lượng cần cho ăn khoảng 30% thức ăn của ngày, phần còn lại 70% sẽ cho ăn vào cử chiều vì ốc chủ yếu hoạt động về đêm.
Cho ăn với lượng vừa đủ tránh trường hợp dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến ốc hoặc cho ăn chưa đủ ốc chậm lớn, sinh trưởng kém.
6. Thu hoạch
Tùy vào điều kiện chăm sóc, theo dõi và lượng thức ăn thì thời gian có thể ngắn hơn hoặc dài hơn.
Trung bình khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch, khối lượng đạt 30-35 con/kg. Thu hoạch theo phương pháp thu tỉa, vào lúc sáng sớm, lúc đó ốc thường nổi lên bám vào lục bình, lựa chọn những con đạt kích cỡ, nuôi dưỡng thêm những con còn nhỏ vì ốc không phát triển đồng đều. Nếu thu tỉa thì sau khi thu có thể thả bù ốc nhỏ vào, tạo vòng tuần để không lãng phí thời gian, diện tích ao nuôi.