Thị trường mở rộng
Năm 2018, sản phẩm cá tra đông lạnh của các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu đi 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần cùng các địa phương khác trong cả nước, mang về cho đất nước trên 2,1 tỷ USD, đây là năm mà ngành cá tra phục hồi và phát triển cực thịnh trong hơn 20 năm qua. Năm 2018, có thời điểm giá cá tra nguyên liệu lên đến 36.000 đồng/kg, người nuôi lãi gần 10.000 đồng/kg, điều này chưa từng có trong lịch sử ngành hàng cá tra Việt Nam. Tình trạng thiếu con giống thả nuôi đã đẩy giá cá tra nguyên liệu lên mức cực đỉnh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đàm phán giá xuất khẩu trên tất cả các thị trường.
Kết quả của việc đàm phán đã mang lại thắng lợi cho ngành cá, hầu hết các thị trường nhập khẩu đều tăng giá, đầu tiên là thị trường Mỹ, giá cá tra fillet đông lạnh xuất vào thị trường này từ 5 - 6 USD/kg, Nam Mỹ là 3,5 - 3,6 USD/kg, Trung Quốc từ 3,6 - 4,3 USD/kg. Nhìn chung, giá xuất trong năm 2018 ở các thị trường đều tăng (ít nhất là 1 USD/kg), chính điều này tạo thuận lợi cho ngành cá tra trong năm 2019 và những năm tiếp theo. “Năm 2018, thị trường Mỹ đã vượt qua thị trường Trung Quốc, trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất thế giới, đạt giá trị hơn 525 triệu USD, tăng 57,7%. Kế đó là thị trường Trung Quốc xếp vị trí thứ 2 với kim ngạch hơn 505 triệu USD, tăng 28,9%. Đứng thứ 3 là Liên minh Châu Âu (EU), đạt hơn 231 triệu USD, tăng 19,1%; ASEAN đạt hơn 194 triệu USD, tăng 43,1% so với năm 2017. Xuất khẩu vào các thị trường tăng trưởng ổn định, điều này cho thấy sản phẩm cá tra fillet của Việt Nam ngày càng được thị trường ưa chuộng. Đây là nền tảng cho sự phát triển của ngành cá tra trong năm 2019 và những năm tiếp theo” - TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam phân tích.
Thị trường mở rộng, ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm được nâng lên, công tác tiếp thị sản phẩm được đẩy mạnh, mẫu mã, bao bì được đầu tư nhiều hơn… Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng cho việc xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ tăng trở lại (trong năm 2018) chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đúng 0 giờ sáng 6-7-2018, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Ngay sau đó, Mỹ công bố kế hoạch đánh thuế tiếp theo nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác từ Trung Quốc với 284 mặt hàng. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra, đa phần các doanh nghiệp Mỹ chuyên nhập khẩu cá rô phi từ Trung Quốc đã quay sang nhập khẩu cá tra. Các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến này, chính yếu tố này đã đẩy thị trường Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra số 1 thế giới.
Thu hoạch và chế biến cá tra Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ - MINH HIỂN
Chất lượng nhờ công nghệ mới
“Năm 2019, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đặt ra rất nhiều kỳ vọng. Ngoài thị trường xuất khẩu, một yếu tố khác làm cho chúng tôi kỳ vọng rất nhiều chính là yếu tố đưa khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh. Khi có được yếu tố công nghệ, dù các quốc gia khác như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bangladesh… có nuôi nhiều cá tra, chúng tôi tự tin là sản phẩm mình sẽ chiếm lĩnh được thị trường” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới khẳng định.
Yếu tố công nghệ mà ông Doãn Tới đề cập đến chính là 2 phát minh: công nghệ sục khí nano và công nghệ nano Bioreactor (Bakture). Hai công nghệ này chính là giải pháp, giúp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong ao nuôi cá tra nói riêng và môi trường sinh thái tại ĐBSCL nói chung. Theo TS Takeba Akira, cố vấn Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, công nghệ Nano Bioreactor có nhiều ưu điểm vượt trội như: tạo ra ô-xy hòa tan trong nước, duy trì môi trường sống cho các loài cá, thực vật thủy sinh trong nước. Công nghệ nano Bioreactor kết hợp công nghệ máy sục khí nano sẽ làm giảm tới 70% lượng bùn (theo thời gian), giúp người nuôi giảm chi phí phải nạo vét bùn thải ra theo phương pháp thủ công (trước đây). Do khả năng tạo ra nguồn ô-xy hóa tan lớn nên nano Bioreactor sẽ giúp tăng tỷ lệ sống, mật độ nuôi cá trong ao, từ đó cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với phương pháp nuôi truyền thống trước đây.
“Người nuôi cá tra áp dụng công nghệ sục khí nano và công nghệ Bioreactor sẽ tăng được sản lượng, mật độ nuôi lên gấp 2 - 3 lần (trên cùng một diên tích nuôi), không cần xả thải nước trong ao nuôi bị ô nhiễm ra môi trường, từ đó tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái như trước đây. Cá được nuôi bằng 2 công nghệ này sẽ có chất lượng thịt rất ngon, thơm, thu hút người tiêu dùng sử dụng sản phẩm” - TS Takeba Akira, cố vấn Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, khẳng định.