Trước hết, căn cứ quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 thì kỳ vọng năm 2016 sẽ đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Điểm vượt trội thứ hai, năm 2015 so với năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 7,9%. Đáng lưu ý, tốc độ tăng này đạt được trong điều kiện giá cả xuất khẩu tiếp tục giảm so với năm trước (chỉ số chung giảm 3,79%, trong đó một số mặt hàng còn giảm nhiều hơn, như: Dầu thô giảm 47,8%, xăng dầu giảm 44,1%, cao su giảm 19,7%, thủy sản giảm 16%, sắt thép giảm 13,5%, gạo giảm 8,2%, sắn giảm 5,2%, cà phê giảm 5,3%...). Mặt khác, kết quả này đạt được trong điều kiện tổng kim ngạch nhập khẩu của nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam bị sụt giảm về tốc độ tăng hoặc bị giảm tuyệt đối do tác động của việc giảm đồng nội tệ của những thị trường này. Đó là một cố gắng lớn trong nỗ lực mở cửa, hội nhập ngày một sâu, rộng, với tầm cao mới. Năm 2016 với nhiều cam kết mới đã được ký kết hoặc chuẩn bị ký kết, thì việc tăng 10% là có tính khả thi.
Thứ ba, quy mô và tốc độ tăng đạt được như trên, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.768 USD, cao hơn so với năm 2014 (1.655 USD/người), cao nhất từ trước tới nay.
Với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10%, với tốc độ tăng dân số khoảng 1,08%, thì xuất khẩu bình quân năm 2016 có thể vượt qua mốc 1.920 USD/người.
Thứ tư, mặc dù tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỉ giá hối đoái cao lên (ước năm 2015 đạt 193,5 tỉ USD, cao hơn mức 186,2 tỉ USD của năm 2014, nhưng tỉ lệ xuất khẩu hàng hóa/GDP năm 2015 đạt khoảng 83,8%, cao hơn tỉ lệ 80,7% của năm 2014, cao nhất từ trước tới nay và thuộc loại cao trên thế giới. Điều đó chứng tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá rộng và tăng lên nhanh chóng. Kỳ vọng tỉ lệ này của năm 2016 sẽ cao lên nữa vì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng GDP tính bằng USD theo tỉ giá hối đoái (dự báo khoảng 10% so với 5%).
Thứ năm, theo mặt hàng xuất khẩu, có 23 mặt hàng đạt trên 1 tỉ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 5 tỉ USD (điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, điện tử máy tính và linh kiện, giày dép, máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng). Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 1 mặt hàng (điện thoại các loại và linh kiện) vượt qua mốc 30 tỉ USD. Kỳ vọng năm 2016 sẽ có thêm 3 mặt hàng nữa tham gia câu lạc bộ “các mặt hàng đạt 1 tỉ USD trở lên” (hóa chất, kim loại, dây điện). Đóng góp lớn (tăng từ 500 triệu USD trở lên) vào mức tăng kim ngạch tuyệt đối có 7 mặt hàng (điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép, máy ảnh máy quay phim, máy móc và dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ).
Thứ sáu, cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Các mặt hàng có kỹ thuật-công nghệ cao (điện thoại, máy tính, máy ảnh và máy quay phim, máy móc), các mặt hàng sử dụng nhiều lao động (dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, túi xách và ví, mũ, ba lô, ô dù...) tăng cao hơn, nên tỷ trọng tăng lên. Tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 74 tỉ USD, tăng 11,9%, chiếm 45,5% tổng số; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 64,8%, tăng 9,7% và chiếm 39,9%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 17 tỉ USD, giảm 15,6%, chiếm 4,1%.
Thứ bảy, kim ngạch xuất khẩu năm nay tuy chưa đạt được kế hoạch của năm nay (tăng 10%, tức là phải đạt 165,2 tỉ USD), nhưng nếu so với kế hoạch 5 năm (tăng 10%/năm, hay đến năm 2015 đạt 116,3 tỉ USD), thì sau khi đã vượt trước 2 năm (từ năm 2013), năm nay đã vượt rất xa (tới trên 46,1 tỉ USD, bình quân thời kỳ 2011-2015 tăng 17,6%/năm).
Mục tiêu đề ra cho năm 2016 là tăng 10% và nhập siêu ở mức 5% - tính ra kim ngạch xuất khẩu phải đạt 178,3 tỉ USD, hay tăng 16,2 tỉ USD; mức nhập siêu sẽ là khoảng 8,9 tỉ USD. Đây là mục tiêu có tính khả thi, bởi vì với 8 Hiệp định thương mại (FTA) cũ đã ký, với các FTA thế hệ mới, việc tham gia TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN... sẽ mở ra cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn.