Xuất khẩu khởi sắc
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số thị trường nhập khẩu tôm chính đều có dấu hiệu tăng trưởng khả quan.
Tại thị trường Nhật Bản, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 293,9 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này dù còn khá khiêm tốn nhưng đã mở ra những tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản sau hơn một năm vất vả với rào cản Ethoxyquin. Dự báo, trong thời gian tới xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật sẽ thuận lợi hơn khi nước này vừa quyết định nâng mức kiểm soát dư lượng Trifluralin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ mức 0,001 ppm lên 0,5 ppm.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 252,3 triệu USD nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 5 và 6 với mức tăng lần lượt là 58,2% và 39,1%.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu nhập khẩu vào thị trường EU tiếp tục giảm mạnh trong năm 2013. Theo đó, EU đã nhường vị trí thứ 3 về nhập khẩu tôm Việt Nam cho Trung Quốc và Hồng Kông.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 146,9 triệu USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2013, Trung Quốc được đánh giá là một trong những “đầu ra” quan trọng cho tôm Việt Nam khi các thị trường tiêu thụ tôm lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU gặp khó.
Tôm Thái Lan khủng hoảng
Năm 2013, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) khiến cho nhiều nước sản xuất tôm lớn ở châu Á sụt giảm mạnh về sản lượng, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường thế giới.
Sản lượng tôm nuôi của Malaysia trong 3 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 60.000 tấn, giảm mạnh so với 90.000 tấn cùng kỳ năm 2012. Còn tại Trung Quốc, mặc dù không có số liệu thống kê chính thức về sản lượng nhưng việc gia tăng nhập khẩu gần đây của nước này phần nào cho thấy sự thiếu hụt tôm nguyên liệu.
Một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của EMS phải kể đến là Thái Lan. Trên tờ Bloomberg, Chủ tịch Hiệp hội tôm Thái Lan, Somsak Paneetatayasai cho biết: “Xuất khẩu tôm Thái Lan năm nay sẽ giảm 50% so với lượng xuất khẩu thông thường hàng năm, chỉ đạt khoảng 350.000 tấn. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của ngành công nghiệp tôm Thái Lan”.
Cũng theo Somsak Paneetatayasai, sản lượng tôm của Thái Lan trong năm 2013 có thể giảm 50% so với khối lượng 500.000 - 600.000 tấn sản xuất hàng năm trước đó.
Theo Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan, hiện, các công ty nước này đang xem xét nhập khẩu tôm và các sản phẩm đông lạnh liên quan từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Cần phải thận trọng
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, nguồn cung thấp khiến tình hình nguyên liệu trở nên căng thẳng, theo đó các nước nhập khẩu sẽ đổ xô đi mua để bù vào lượng thiếu hụt. Đây là một thuận lợi cho con tôm Việt Nam khi xuất khẩu được giá cao do nguồn cung khan hiếm, nhất là khi sản lượng của Thái Lan (quốc gia nuôi tôm lớn khống chế thị trường tôm thế giới) giảm mạnh do dịch bệnh lan rộng. Tuy nhiên, rất khó có thể đánh giá được những cơ hội hay khó khăn trong tình hình hiện nay bởi hoạt động xuất khẩu còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường, giá thành sản xuất.
Bên cạnh đó, trước tình hình nguồn cung thiếu hụt, chắc chắn giá cả sẽ có biến động. Do vậy, cần phải dự đoán được mức độ biến động như thế nào. Thông thường, tôm thẻ chân trắng thời gian nuôi ngắn, chỉ mất 2 - 3 tháng là có thể nuôi lại. Vì vậy, chưa chắc khoảng thiếu hụt quá trầm trọng như thông báo của Thái Lan bởi có thể, trong thời điểm này Thái Lan thiếu hụt nguồn cung nhưng khi họ tập trung nuôi lại thì chưa chắc đã thiếu.
Do đó, các doanh nghiệp cũng như người nông dân nuôi tôm Việt Nam nên xem thông tin Thái Lan có thể nhập khẩu tôm của Việt Nam là tin chung của thị trường, từ đó có hoạch định, đánh giá đúng mức về vấn đề thị trường để buôn bán cẩn trọng hơn, ông Hòe chia sẻ thêm.
Dù sao trong thời điểm hiện tại, ngành tôm Việt Nam cũng đã có những tín hiệu vui cả về giá lẫn thị trường nhập khẩu. Nếu giải quyết được vấn đề dịch bệnh thì đây sẽ là cơ hội để xuất khẩu tôm bứt phá trong những tháng còn lại của năm 2013.
Theo Báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), châu Á sản xuất khoảng 3 triệu tấn tôm với giá trị tương đương 13,3 tỷ USD năm 2011.