Công ty CP Tập đoàn Ðức Long Gia Lai cho rằng hai dự án thủy điện Ðồng Nai 6, 6A đi vào hoạt động sẽ thay đổi cơ cấu kinh tế các xã trong vùng dự án theo hướng tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế hạ tầng, nâng cao dân trí, một phần sản lượng điện tạo ra sẽ cung cấp bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dân bản địa, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp: lắp ráp - sửa chữa cơ khí, điện tử…
Hại không bù được, lợi đâu ra?
Ngoài ra, theo chủ đầu tư, hồ chứa với dung tích và diện tích mặt nước lớn sẽ tạo điều kiện cho ngành thủy sản, làm tăng sản lượng khai thác, góp phần cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho người dân. Hai dự án thủy điện này cũng sẽ tăng ngân sách cho địa phương từ nguồn thuế, tăng vốn đầu tư cho các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại không nói rõ bao nhiêu người và đối tượng nào sẽ được phép vào nuôi trồng thủy sản sau khi có hồ chứa. Hay đây là những lời hứa suông như bao nhiêu chủ đầu tư công trình thủy điện khác (thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam sau một thời gian đàm phán giữa địa phương và chủ đầu tư về sự bất công trong cơ chế hưởng lợi thì chỉ có vài ba hộ được phép vào nuôi cá).
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã nghiên cứu về vấn đề suy giảm nguồn cá trên sông Ðồng Nai khi có hai đập thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A. Kết quả cho thấy hai dự án đi vào hoạt động sẽ khiến sản lượng đánh bắt các loài cá di cư sinh sản có giá trị cao, kích thước lớn ở khu vực từ chân đập thủy điện Ðồng Nai 6 đến hồ Trị An giảm mạnh. Chỉ tính riêng về nguồn lợi thủy sản khu vực này, mỗi ngày thiệt hại khoảng 2 triệu đồng. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) đã không chi tiết hóa được các khả năng tác động này cũng như dự báo cụ thể các thay đổi về sản lượng loài cá và nghề cá ở các khu vực khác nhau trên sông Ðồng Nai, từ ấp Bù Lạch, xã Ðồng Nai, huyện Bù Ðăng, tỉnh Bình Phước đến hồ Trị An. Ðời sống của nhóm người sống dựa vào tài nguyên trong khu vực dự án và hạ du cũng không được xem xét về mức độ ảnh hưởng trong ÐTM. Chính vì vậy, chủ đầu tư đã không đưa ra được các phương án chuyển đổi nghề nghiệp cụ thể cho người dân bị ảnh hưởng kinh tế, hiệu quả dự án như là những câu nói sáo rỗng.
Nghèo khó vì... thủy điện
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã khảo sát 41 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện Ðắc Mi 4, được tái định cư (TÐC) tại xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Khoảng 94% dân số là dân tộc Mơ Nong, 100% hộ dân thuộc diện hộ nghèo với mức thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng. Chủ tịch xã Phước Hòa cho biết người dân bị thu hồi đất và đưa đến một nơi ở mới rất khó khăn: mỗi hộ được nhận một diện tích vỏn vẹn với 400 m2 đất ở và vườn. Nhà TÐC có giá 70 triệu đồng nhưng xây không có cốt thép, nóng về mùa hè, ẩm về mùa mưa nên hầu như không sử dụng được. Người dân phải dắt díu nhau về lại nơi canh tác trước kia sinh sống tạm bợ.
Tương tự, 48 hộ dân ở thôn Bồ Hòn bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Bình Ðiền (Thừa Thiên - Huế) sau 6 năm TÐC, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 66%, hơn nửa số hộ thiếu ăn 2-3 tháng mỗi năm. Diện tích đất sản xuất của người dân sau TÐC giảm 97,6% so với nơi ở cũ, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp giảm đến 87,6% % so với trước đây... Thiếu đất, thiếu việc làm, thiếu lương thực, sức khỏe giảm sút, khó tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ công… là những khó khăn chính tại các khu TÐC của các dự án thủy điện.
Cơ sở hạ tầng thường được chủ đầu tư dùng làm đòn bẩy kêu gọi sự ủng hộ và cho phép họ xây dựng thủy điện. Tuy nhiên, người dân cho rằng họ rất ít được sử dụng các "tiện nghi" này. Ví dụ, nhiều bể nước ở các khu TÐC làm chưa xong thì đã hỏng, nhiễm phèn. Ðiều này khiến người dân ngại dùng nước từ bể vì họ đã quen với sự thoải mái khi dùng nước từ khe suối thiên nhiên vừa sạch và vừa mát trước đây. Ðiện và đường dây tải điện cũng được kết nối nhưng nhiều nhà không dám sử dụng vì thu nhập của họ quá thấp đến nỗi họ không thể có khả năng trả tiền điện hằng tháng…
Có thể khẳng định chưa chủ đầu tư dự án thủy điện nào làm đúng như những "bức tranh đẹp" họ đã vẽ ra để được cơ quan chức năng cấp phép. Ngược lại, môi trường xã hội bị xáo trộn, môi trường tự nhiên bị tàn phá, chỉ có người dân lãnh đủ!
Thiếu biện pháp ngăn ngừa sự cố
Hàng loạt sự cố và tai nạn có thể xảy ra trong quá trình thực hiện và vận hành hai dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A chủ đầu tư cũng nhận thấy. Các sự cố này không những gây thiệt hại tài sản cho chủ đầu tư mà còn gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của nhiều người dân sống trong khu vực như vỡ đê quai thượng hạ lưu, sự cố cháy nổ trong thi công và cháy rừng, sự cố vỡ đập Ðồng Nai 6A sẽ làm ngập trên 7.000 ha ở hạ du ở cả 3 tỉnh… Thế nhưng, biện pháp ngăn ngừa, ứng phó một cách khả thi thì hoàn toàn không có.