Thanh tra thủy sản Bình Thuận kiểm tra, xử lý tình trạng đặt bẫy tôm hùm con trái phép. Ảnh: T.N
Xô xát, đánh nhau giành vùng biển
Bờ biển thuộc địa phận phường Hàm Tiến có chiều dài khoảng 9 km. Tuy nhiên, do các khu du lịch hoạt động san sát nhau nên trong quy định vùng khai thác tôm hùm con, ngư dân chỉ được bố trí 1 km từ khu du lịch Kim Ngân đến giáp địa bàn phường Mũi Né. Ông Ngô Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến cho biết: Hiện nay, toàn phường có đến 70 hộ hoạt động nghề này, trong đó 1/3 là dân ngoài địa phương. Vì nhu cầu cao nên ngoài khu vực biển được bố trí, các hộ dân hiện đang giăng bẫy trắng khắp mặt biển Hàm Tiến, kể cả tại vùng biển của các cơ sở du lịch. Vấn đề này gây khó khăn trong công tác quản lý, tranh chấp vùng biển. “Sau khi có kế hoạch của UBND TP. Phan Thiết thì địa phương đã thực hiện tuyên truyền, cho các hộ dân ký cam kết, thậm chí đã tiến hành đối thoại để tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất chính là việc các hộ yêu cầu nếu đã cấm thì phải cấm hết toàn bộ vùng biển, để không tiếp tục xảy ra tranh chấp” - ông Ngô Ngọc Dũng chia sẻ.
Theo quy định, trong thời gian nghề bẫy tôm hùm con được phép khai thác thì ngư dân có thể đặt bẫy tại một số vùng biển không cấm. Những vùng biển này được thông báo cụ thể ở từng địa phương, sao cho hoạt động của nghề này không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở du lịch và giao thông đường thủy. Tuy nhiên thời điểm hiện nay, hơn 50km đường biển từ Suối Nước (phường Mũi Né) đến xã Tiến Thành hầu như đều trắng xóa các bông tôm. Thông tin từ các địa phương có hoạt động nghề bẫy tôm hùm con cho biết, do số lượng các hộ hoạt động ngày càng phát sinh, trong khi khu vực biển được phép khai thác bị hạn chế nên nhiều hộ bất chấp quy định để đặt bẫy trái phép. Do vậy hoạt động kiểm tra hết sức khó khăn do các hộ dân thường thả lưới vào ban đêm, khi chính quyền địa phương phát hiện thì bông tôm đã ngập trắng hết vùng biển. Trong khi để xử lý các bẫy tôm trái phép này phải có thời gian, kế hoạch triển khai. Một vấn đề nữa đó chính là tình trạng tranh chấp mặt biển giữa các ngư dân, nhất là với những hộ từ địa phương khác đến, gây nên tình trạng hỗn loạn. Cũng vì lý do tranh giành khu vực bẫy tôm hùm con mà vừa qua tại xã Tiến Thành liên tục xảy ra những vụ việc xô xát, ẩu đả giữa các ngư dân với nhau.
Có nên cấm hoàn toàn?
Để xử lý tình trạng bẫy bắt tôm hùm con trái phép trên vùng biển, thời gian qua UBND TP. Phan Thiết đã chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương xử lý hết sức quyết liệt. Trong đó, riêng năm 2015, kinh phí chi cho các cho hoạt động tháo dỡ lưới tôm là gần 300 triệu đồng. Đến khoảng giữa năm 2015, các bẫy tôm hùm con đã gần như sạch bóng tại vùng biển Phan Thiết. Tuy nhiên trong thời gian nhóm nghề này được phép hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, thì các bông tôm lại ngập tràn, kể cả những nơi cấm hoạt động. Trong cuộc họp sáng 6/1/2016, UBND TP. Phan Thiết chỉ đạo các địa phương nhanh chóng ra quân tuyên truyền và có hướng xử lý kiên quyết các hộ vi phạm về khu vực cấm bẫy tôm hùm con. “Chậm nhất là đến ngày 25/1/2016, UBND các phường, xã có biển phải hoàn thành xong việc ra quân xử lý bẫy tôm hùm tại vùng biển cấm. Trong quá trình thực hiện, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thận trọng, không để xảy ra điểm nóng. Trước khi thực hiện cần tăng cường tuyên truyền, vận động, thông báo đến các cá nhân có giăng bẫy tôm hùm con” - ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết nhấn mạnh.
Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo dỡ bẫy tôm hùm con trái phép, các bên cũng đã ghi nhận sự tham gia tích cực, cộng đồng trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh du lịch trong việc dẹp dọn vùng biển. Theo đó, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận sẽ hỗ trợ một phần kinh phí về xăng dầu để các địa phương thực hiện tháo dỡ bẫy tôm. Cũng trong cuộc họp, đa số các đại biểu dự họp thống nhất với đề xuất tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu về việc cấm hoàn toàn bẫy tôm hùm con. Bởi theo nhiều ý kiến của một số đại biểu, hoạt động bẫy bắt tôm hùm con về lâu dài lẫn trước mắt đều gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản của địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông trên biển và các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó nghề này không phải là nghề truyền thống nên không khuyến khích phát triển. Và đại biểu cũng cho rằng, nếu cấm nghề này hoàn toàn thì phải có lộ trình thực hiện, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con chuyển đổi ngành nghề hợp lý.