Làm chủ công nghệ giống và nuôi công nghiệp cá chim vây vàng

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đang sở hữu đàn cá chim vây vàng giống gốc, loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, hiện nuôi trên vịnh Vân Phong.

nuôi cá chim vây vàng
nuôi cá chim vây vàng

Đàn cá chim vây vàng giống gốc "khủng" trên vịnh Vân Phong

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi ra khu vực Bãi Tranh, nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nơi đang nuôi giữ đàn cá chim vây vàng giống gốc (loại vây ngắn) có giá trị kinh tế cao của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (gọi tắt Viện I).

Từ cảng Hòn Khói (Thị xã Ninh Hòa) đi ca nô cao tốc tầm khoảng 30 phút là đến nơi. Trước mặt chúng tôi hiện ra là hệ thống lồng nuôi HDPE hiện đại (kiểu Na Uy) đang được Viện I tiên phong nuôi biển quy mô công nghiệp. Trong đó 22 lồng vuông HDPE, kích thước 5 x 5 x 5m đang nuôi hàng trăm con cá chim vây vàng “khủng” bố mẹ, hậu bị và ương cá giống.

đàn cá chim vây vàng
Đàn cá chim vây vàng giống gốc, mỗi con nặng 4 - 6kg của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Chu Chí Thiết, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ (thuộc Viện I), cho biết, từ năm 2018, đơn vị được Tổng cục Thủy sản giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc giống cá chim vây vàng (loài vây ngắn).

Đến nay, đơn vị đang nuôi giữ 232 cặp bố mẹ (464 con) cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong. Đàn cá bố mẹ này có nguồn gốc từ tuyển chọn trong các nhiệm vụ nghiên cứu trước đây của Viện và có bổ sung thêm từ các quần đàn tự nhiên. Nhờ chăm sóc như “con mọn” nên đàn cá bố mẹ nuôi tại đây sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt từ 4 - 6 kg/con.

Theo ông Thiết, để bảo vệ và chăm sóc đàn cá chim vây vàng giống gốc này, đơn vị bố trí lực lượng từ 2 - 3 người luôn túc trực 24/24 giờ mỗi ngày để theo dõi. Từ tháng 12 đến tháng 5 (âm lịch) là mùa sinh sản của cá, những người làm việc nơi đây càng vất vả hơn, vì phải theo dõi đàn cá đẻ trứng để nhanh chóng vận chuyển đưa về khu trại ấp trứng trên bờ.

“Để biết cá sắp đẻ trứng hay chưa, chúng tôi phải bắt từng con rồi sử dụng ống thăm trứng (ống silicon, đường kính 1.000µm) luồn qua lỗ sinh dục để lấy sản phẩm sinh dục của chúng. Nếu phát hiện con nào mang trứng sẽ bắt vào lồng riêng, sau đó tiêm kích dục tố sinh sản. Sau 30 - 48 tiếng, cá sẽ đẻ trứng. Thông thường, cá sinh sản vào ban đêm nên chúng tôi tiến hành thu trứng chuyển sang bể ấp vào sáng sớm ngày hôm sau”, ông Thiết chia sẻ.

nuôi cá chim vây vàng
Đàn cá bố mẹ được nuôi trong lồng vuông HDPE. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Thiết, đơn vị đã làm chủ công nghệ sản xuất giống cá chim vây vàng ổn định, với các chỉ tiêu kỹ thuật cao. Cụ thể, tỷ lệ thành thục cá bố mẹ >85%; tỷ lệ cá bố mẹ tham gia sinh sản >70%; tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống (cỡ 3 cm) >17%; tỷ lệ dị hình <3%.

Dẫn chúng tôi tham quan trại sản xuất giống ở thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng (Vạn Ninh) với tổng diện tích 7.000m2, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ cho biết thêm, sức sinh sản của cá cái đạt trên 5.000 cá bột/kg thể trọng cá. Trứng sau khi thu được về ấp trong bể nhựa composite có thể tích 500 – 1.000 lít, mật độ ấp 500 trứng/lít. Sau khi trứng nở 2 - 3 tiếng sẽ tiến hành thu cá bột chuyển thả vào bể ương. Mật độ cá bột trong ương nuôi từ 40 - 60 con/lít.

Trong thời gian từ 18 - 22 ngày, cá bột sẽ được cho ăn bằng thức ăn phù du được đơn vị tự sản xuất tại chỗ. Sau đó, cá sẽ được đưa ra bể nuôi xi măng (22 m3/bể) trong trại để nuôi đến 2 tháng bằng thức ăn công nghiệp. Khi cá giống đạt kích cỡ từ 4 - 5cm sẽ được xuất bán hoặc đưa ra lại lồng vuông hoặc lồng tròn HDPE trên vịnh Vân Phong để tiếp tục ương hoặc nuôi thương phẩm.

cá chim giống
Cá giống chim vây vàng được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Theo bà Thủy, hiện năng lực sản xuất giống cá chim vây vàng của đơn vị mỗi năm khoảng 1 triệu con giống. Ngoài đáp ứng cho nhu cầu nuôi khép kín của Viện I, lượng giống sản xuất ra còn cung cấp cho người nuôi tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang… với hình thức nuôi trong lồng trên biển hoặc ao nước mặn, lợ ven bờ.

Do cá giống thuộc nhiệm vụ khoa học công nghệ được nhà nước giao nên được thống nhất bán với giá đã được phê duyệt là 4.550 đồng/con (kích thước cỡ 4 - 5 cm/con), thấp hơn so với thị trường vài ngàn đồng/con.

Nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp

Cá chim vây vàng thuộc nhóm cá dữ, ăn thịt, phân bố tại các vùng biển ven bờ có nền đáy cát, rong, cỏ biển, rạn đá san hô. Chúng là loài cá biển có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ thương phẩm 0,6 - 0,8 kg/con sau 8 - 10 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Cá chim vây vàng thường ít bị bệnh và có khả năng nuôi với mật độ cao trong ao hoặc lồng tại các thủy vực nước lợ và nước mặn.

giống cá chim
Cá giống sản xuất được vận chuyển ra ương trên vịnh Vân Phong. Ảnh: Kim Sơ.

Tại Viện I, nhiều năm qua đã nuôi thành công cá chim vây vàng thương phẩm trong lồng HDPE, với tỷ lệ cá sống thường đạt từ 76 - 84% từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 8 - 10 tháng.

Anh Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện I) cho biết, cá giống sau khi đạt kích cỡ 2 - 3cm sẽ chuyển ra cho trang trại nuôi biển của Trung tâm trên vịnh Vân Phong để ương nuôi trong lồng HDPE có chu vi 60m, độ sâu lưới 8m, thể tích 2.500m3.

Lồng tròn này có thể ương nuôi lên đến 100.000 con, với tỷ lệ hao hụt thấp hơn nuôi ương trong trại, vì môi trường nuôi ương ngoài biển thông thoáng, nước sạch nên đảm bảo cho cá sinh trưởng và phát triển. Sau khi nuôi ương đến 40 - 45 ngày, cá sẽ được sàng lọc thả nuôi thương phẩm trong lồng tròn HDPE. Theo thiết kế, lồng nuôi này có thể thả cá chim vây vàng lên đến 50.000 con, sản lượng thu hoạch đạt 25 tấn/lồng.

Tuy nhiên theo ông Phương, hiện trang trại chỉ thả khoảng 25.000 con/lồng, với sản lượng thu hoạch còn 23.000 - 24.000 con, mỗi con đạt trọng lượng từ 0,6 - 0,7kg, tương đương 15 - 18 tấn/lồng.

cá chim vây vàng
Cá được ương trong lồng tròn HDPE với tỷ lệ hao hụt thấp, trước khi xuất bán hoặc nuôi thương phẩm. Ảnh: Kim Sơ.

Từ năm 2018 đến nay, trang trại hoạt động ổn định với quy mô sản lượng khoảng 200 tấn/vụ. Trước những năm chưa ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, khoảng 50% sản lượng cá thương phẩm tiêu thụ nội địa, còn xuất khẩu sang Mỹ và các nước Trung Đông với giá bán dao động từ 110 - 150 ngàn đồng/kg, lợi nhuận 20 - 30%. Tuy nhiên 2 năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, chi phí vận chuyển (container) tăng cao nên cá nuôi chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước hút hàng, do đó trang trại đang đẩy mạnh thả nuôi thương phẩm để phục vụ người tiêu dùng trong thời gian tới.

Được biết, đây là trang trại nuôi cá biển (chủ yếu cá chim vây vàng) quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp. 

Bên cạnh đó, Viện I cũng đã làm chủ công nghệ thiết kế và lắp đặt lồng HDPE theo công nghệ Na Uy với vật liệu làm lồng được nội địa hóa, giảm được chi phí hơn 50% so với lồng ngoại nhập. Hệ thống lồng, neo được thiết kế chống bão cấp 11. Tuy nhiên trên thực tế vẫn chịu được cơn bão mạnh cấp 12 và giật cấp 15 (Damrey) đổ bộ vào cuối năm 2017 đi qua khu lồng nuôi.

Tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh có chuyến tham quan trang trại nuôi cá biển của Viện I đã đánh giá cao việc tiên phong nuôi cá biển bằng lồng kiểu Na Uy của đơn vị. Viện I không chỉ đã làm chủ được quy trình công nghệ từ sản xuất giống cá chim vây vàng, sản xuất thức ăn công nghiệp theo công thức hợp tác giữa Viện I với Công ty De Heus (Hà Lan), mà còn nuôi thương phẩm an toàn sinh học; ứng dụng công nghệ lồng kiểu Na Uy phù hợp với điều kiện thực tiện thực tế tại Việt Nam.
Nông nghiệp Việt Nam
Đăng ngày 06/06/2022
Kim Sơ - Minh Hậu
Nuôi trồng

Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các chế phẩm sinh học

Một trong những giải pháp bền vững, an toàn và hiệu quả là sử dụng các chế phẩm sinh học. Chế phẩm sinh học không chỉ giúp cải thiện sức đề kháng cho tôm mà còn có lợi cho môi trường ao nuôi, giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh và các hóa chất độc hại.

Tôm thẻ
• 11:19 22/11/2024

Hướng đi mới để tối ưu hóa sức khỏe và năng suất nuôi tôm

Nuôi tôm là một ngành sản xuất thủy sản có giá trị kinh tế lớn, đặc biệt ở các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam.

Ao tôm
• 11:00 22/11/2024

Chất độc trong ao nuôi, mối nguy tiềm ẩn đe dọa sức khỏe tôm

Các chất độc phát sinh trong ao nuôi một trong những nguyên nhân khiến tôm còi cọc, stress, chậm phát triển, thậm chí là chết hàng loạt gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.

Nước ao tôm
• 09:49 21/11/2024

Giảm tiêu hao nguyên liệu sản xuất trong nuôi tôm

Hiệu quả sản xuất luôn là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả là mức độ tiêu hao nguyên liệu sản xuất. Việc giảm tiêu hao không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Dưới đây là các phương pháp thiết thực giúp giảm tiêu hao nguyên liệu trong nuôi tôm.

Tôm thẻ chân trắng
• 10:08 20/11/2024

Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các chế phẩm sinh học

Một trong những giải pháp bền vững, an toàn và hiệu quả là sử dụng các chế phẩm sinh học. Chế phẩm sinh học không chỉ giúp cải thiện sức đề kháng cho tôm mà còn có lợi cho môi trường ao nuôi, giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh và các hóa chất độc hại.

Tôm thẻ
• 22:07 22/11/2024

Phân biệt bệnh đốm trắng trên tôm do vi khuẩn và virus

Bệnh đốm trắng trên tôm là một trong những bệnh nguy hiểm và phổ biến nhất đối với ngành nuôi tôm, gây thiệt hại lớn về kinh tế và sản lượng. Đây là bệnh có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây ra, trong đó nổi bật là các loại vi khuẩn và virus. Dù cả hai loại tác nhân này đều gây ra các triệu chứng tương tự nhau, nhưng nguyên nhân, cách thức lây lan, cũng như phương pháp điều trị và phòng ngừa lại hoàn toàn khác biệt

Tôm thẻ chân trắng
• 22:07 22/11/2024

Hướng đi mới để tối ưu hóa sức khỏe và năng suất nuôi tôm

Nuôi tôm là một ngành sản xuất thủy sản có giá trị kinh tế lớn, đặc biệt ở các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam.

Ao tôm
• 22:07 22/11/2024

Những điểm mạnh từ sự phát triển ngành thủy sản Australia mà Việt Nam có thể học hỏi

Ngành thủy sản Australia không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng cao mà còn được xem là hình mẫu về phát triển bền vững.

Thủy sản
• 22:07 22/11/2024

Thần tình yêu đại dương - Cá thần tiên rạn san hô

Cá thần tiên rạn san hô Tosanoides Aphrodite là một phát hiện đầy bất ngờ trong thế giới sinh vật biển. Được các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học California (Mỹ) công bố, loài cá này không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ đẹp lộng lẫy mà còn khiến cộng đồng khoa học ngạc nhiên khi chúng chưa từng được ghi nhận trước đây. Cùng tìm hiểu về loài cá được mệnh danh là "thần tình yêu đại dương" này!

Tosanoides Aphrodite
• 22:07 22/11/2024
Some text some message..