Từ quan niệm “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn”, năm 1996, ông Sum bắt đầu nuôi cá giống. Nhận thấy nhu cầu cá giống tại địa phương khan hiếm, phải nhập từ các địa phương khác nên ông quyết tâm cải tạo một số diện tích ruộng của gia đình không thuận lợi trong canh tác chuyển thành ao chuyên ương nuôi và cung cấp cá giống cho bà con nông dân trong tỉnh. Những năm đầu bắt tay vào làm, do thiếu vốn và bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên cá bột nhập về chưa được bao lâu thì chết, không đạt sản lượng như dự kiến. Tuy nhiên, ông Sum vẫn kiên nhẫn mày mò, bắt tay vào nghiên cứu sâu hơn thông qua sách báo, tivi và tới trực tiếp các trại ương cá giống ở các tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, mô hình nuôi cá giống của gia đình ông có trên 3.000 m2 mặt nước với 6 ao ương nuôi cá giống theo từng giai đoạn, chủ yếu các loại cá trôi, trắm, chép, mè...
Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, ông Sum cho biết: Cá giống rất kén môi trường sống, các công đoạn nuôi cá từ chuẩn bị ao thả, xử lý môi trường đến chăm sóc đều phải rất cẩn thận. Ao nuôi phải có hệ thống cấp thoát nước chủ động, gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Vì cá giống nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, đánh bắt, vận chuyển mang đi tiêu thụ phải có kỹ thuật. Trước khi thả cá, ao phải được bơm cạn, vét bùn đáy, dùng vôi bột khử trùng nhằm hạn chế các loại bệnh gây hại cá.
Trước đây, ông thường nhập cá từ 3-5 ngày tuổi ở Công ty cổ phần thủy sản Sơn La về thả xuống ao, ương nuôi khoảng 1-1,5 tháng, khi cá đạt đủ kích cỡ để nuôi thương phẩm thì bán cho thương lái và các hộ nuôi cá. Về sau, ông tự ương và gây giống phục vụ cho việc nuôi và bán. Ông Sum chia sẻ thêm: Ương nuôi cá giống, thức ăn chỉ cần bột cám gạo, ngô tự chế biến tại nhà; nắm vững kỹ thuật, chăm sóc cá tỷ mỷ để cá khoẻ, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao là thu được lãi.
Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật trong ương nuôi cá cộng với uy tín về cung cấp chất lượng con giống đã giúp mô hình nuôi cá của ông trở thành địa chỉ tin cậy, nhiều nông dân trong huyện, trong tỉnh tìm đến mua. Khi khách hàng có nhu cầu, ông sẽ đóng bao, bơm ôxy vận chuyển cá giống đến tận nơi theo yêu cầu. Vì vậy, người dân tiết kiệm được thời gian đi lại, tỷ lệ cá hao hụt ít. Việc bán cá giống diễn ra quanh năm nhưng cao điểm là từ tháng 3 đến tháng 6; trung bình ông bán 60-70 đồng/con cá ương; 200 đồng/con cá giống trên 1 tháng tuổi; 80.000-100.000 đồng/kg cá thương phẩm. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Sum cung ứng ra thị trường trong tỉnh hơn 60-70 vạn con cá giống các loại, trừ chi phí thu về gần 200 triệu đồng. Đồng thời, du nhập các giống mới như cá trắm đen, cá trôi của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An... để phục vụ nhu cầu thị trường, giúp người dân không mua phải giống cá trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, những ai có ý định nuôi cá giống, ông Sum đều tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ các hộ có nhu cầu nuôi cá mà chưa có đủ vốn bằng cách cung ứng con giống theo hình thức trả chậm, đến khi xuất bán cá thương phẩm mới phải trả tiền cá giống (không phải tính lãi). Mỗi năm, ông hỗ trợ khoảng 4-5 hộ chăn nuôi theo hình thức này, trung bình mỗi hộ từ 10-20 triệu đồng. Gia đình anh Quàng Văn Thiện, bản Nặm Ún, một trong những hộ được ông hỗ trợ trên 20 triệu đồng tiền cá giống chia sẻ: Nếu không có sự hỗ trợ từ ông Sum chắc không bao giờ tôi dám tính đến chuyện vay mượn để nuôi cá. Giống cá ở đây chất lượng, lớn nhanh, giá hợp lý lại không mất chi phí đi lại, vận chuyển. Trung bình mỗi năm, tôi đặt hơn 1 tạ cá giống các loại tại đây, cá khỏe, phát triển tốt. Hiện, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn nhờ nghề nuôi cá.
Thực tế cho thấy, tiềm năng để phát triển nguồn thủy sản ở Chiềng Đông là khá lớn, mô hình ương nuôi cá giống của ông Lò Văn Sum đã và đang giúp nhiều nông hộ trong huyện Yên Châu thoát nghèo, vươn lên làm giàu; là mô hình để các hộ nông dân trong huyện tìm hiểu, áp dụng làm theo.