5h sáng, hàng chục ngư dân ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) dong thuyền máy ra giữa sông Hàn, đoạn từ cầu Rồng về phía vịnh Đà Nẵng chuẩn bị cho một ngày lặn bắt chíp chíp. Trên chiếc thuyền tròng trành, ngư dân Bùi Văn Nam (43 tuổi) cho biết, từ khi chíp chíp trở thành món đồ nhậu bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng, số người hành nghề ngày một tăng.
"Ngày trước chỉ có 4 thuyền làm nghề, còn giờ mỗi ngày có tới trên dưới 50 chiếc", ngư dân có 15 năm trong nghề nói.
Ăn vội lưng cơm lót dạ, anh Nam cùng hai bạn thuyền soạn sẵn sợi dây hơi dẫn khí, khoác bộ đồ lặn dày cộm lên người, lấy sợi dây chì nặng 6 kg quấn quanh bụng rồi chốt lại bằng một chiếc đũa.
Sau khi đeo kính lặn, quàng dây dưỡng khí ôxi qua cổ ngậm chặt vào miệng, họ đeo chiếc giỏ nhảy xuống sông. Trên bờ, máy trợ thở được phát liên hồi, một người làm "hoa tiêu" vừa canh cho các dây hơi không quấn vào nhau, không bị gấp khúc, vừa ra hiệu cho tàu thuyền lớn tránh khu vực đang có người lặn phía dưới.
Xuống độ sâu chừng 7 m, anh Nam khẽ quỳ trên mặt bùn đất, đôi tay được đeo găng bảo hộ liên tục chọc xuống bùn khoảng 5 cm, nơi chíp chíp ẩn mình. Từng con chíp chíp kẹp vào 3 ngón giữa và lòng bàn tay được cho ngay vào giỏ. Lặn chừng một giờ, thấy đầu dây dẫn khí được kéo nhẹ, biết tín hiệu của "hoa tiêu" trên mặt nước, anh Nam đạp mạnh chân xuống đất lấy lực và bám theo dây nổi lên.
Người đứng trên bờ nhanh nhẹn phụ tháo dây xích chì cùng dây dẫn khí quăng lên khoang. Chiến lợi phẩm khoảng 20 kg chíp chíp được giũ sạch bùn đất, đưa lên thuyền phân loại lớn, nhỏ. Một lát sau, 2 thợ lặn cùng thuyền cũng nổi lên, cười tươi khi gặp luồng chíp chíp.
Nguyễn Khánh Vương (27 tuổi, trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam), thợ lặn trẻ nhất trên tàu, cởi vội đôi găng tay và nới khóa áo lặn cho thoáng khí, cho biết công việc kéo dài từ sáng sớm đến khoảng 15h chiều. Nếu nước trong, thợ lặn có thể phát hiện hang của chíp chíp là những lỗ nhỏ dưới lòng đất, bắt không xuể. Nhưng nhiều khi lặn cả vài chục mét vuông cũng chỉ bắt được vài chục con.
Sau khi cuốn chì, ngậm ống dưỡng khí, thợ lặn nhảy xuống sông Hàn tìm chíp chíp. Ảnh: Nguyễn Đông
Mùa hè là vụ chính đi bắt chíp chíp. 5 năm theo nghề lặn sông, anh Vương nói ngày trước khi chưa có áo lặn cùng máy trợ thở, người bắt chíp chíp chỉ xuống nước chừng vài phút là phải nổi lên lấy sức. Còn bây giờ đồ nghề được trang bị đầy đủ, có máy trợ thở nên ai khỏe có thể lặn khoảng 2 giờ, người yếu hơn cũng hơn một giờ, mỗi ngày lặn 3 đến 4 lượt.
Chíp chíp ngày càng được giá, thường mỗi kg bán tại bến được 20.000 đồng nên ai chịu khó có thể thu nhập từ 500 đến 1 triệu đồng mỗi ngày tùy vào sản lượng. Người canh chừng trên tàu được trả 300 nghìn đồng. Lợi nhuận cao nên dù đang học năm thứ 4 ngành Sư phạm toán (ĐH Quảng Nam), mỗi dịp được nghỉ anh Vương lại ra nhà người quen ở Đà Nẵng để nhập đoàn đi bắt chíp chíp.
Công việc không quá vất vả, nhưng thợ lặn luôn đối mặt với hiểm nguy. "Chỉ cần chút sơ sảy là có thể mất mạng như chơi", lão ngư Mai Văn Thơm, người có hơn 40 năm theo nghề lặn dưới đáy sông Hàn, nói. Ông giải thích, khi đã xuống mặt nước, người béo phải đeo dây chì khoảng 7 kg, còn người gầy hơn thì đeo loại 4-5 kg. Chỉ cần để sợi dây hơi bị gấp, hay vô tình bị thuyền lớn chạy qua, quấn dây hơi vào chân vịt thì dù thợ lặn thông thạo luồng lạch đến mấy cũng có thể mất mạng.
"Những lúc đó, thợ lặn phải nhanh trí rút chiếc đũa chốt dây chì ở bụng để đạp chân ngoi ngay lên mặt nước. Nếu lúng túng không rút được dây chì ra khỏi người thì không giữ được tính mạng", ông Thơm khẳng định và cho biết thêm ít nhất hai thợ lặn đã chết ngạt dưới nước khi hành nghề. Một người do ăn nhậu nhiều, khi lặn xuống độ sâu 30 m bị chênh lệch áp suất quá lớn. Người còn lại do chưa lặn quen, khi đuối sức không biết tháo dây chì.
Luật bất thành văn, những thợ lặn bắt chíp chíp thủ công trên sông Hàn chỉ chọn những con đủ lớn mang bán. Ảnh: Nguyễn Đông
Từng bị nạn khi ống thở bị gấp, nhưng anh Nam cho biết nghề lặn bắt chíp chíp đã trở thành nguồn sống của nhiều ngư dân nơi cửa biển này, trong đó có tới 95% thuộc phường Nại Hiên Đông. Chỉ cần đầu tư khoảng 2 triệu đồng mua áo lặn là những ngư dân không có vốn đóng tàu lớn vươn khơi xa có thể hành nghề. "Nhiều thanh niên ngày trước chơi bời lêu lổng nhưng thấy nghề hái ra tiền nên xuống thuyền đi lặn bắt. Do đòi hỏi sức khỏe nên những ai làm nghề đều không dám nhậu nhẹt tối ngày", anh Nam nói.
Ngoài việc chọn vị trí phù hợp neo thuyền nhường luồng cho tàu lớn qua lại, những thợ lặn có luật bất thành văn là chỉ bắt chíp chíp đã đủ lớn nên loài này không bị mất giống. Đến mùa nước lũ về, chíp chíp lớn cũng chết nên nếu không thu hoạch sẽ uổng phí. "Tuy nhiên, gần đây nhiều người dùng thuyền cào đánh bắt khiến nguồn chíp chíp có nguy cơ bị tận diệt. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, chủ tàu cào cũng cam kết không đánh bắt ở sông Hàn nữa, nhưng họ vẫn lén lút hoạt động", anh Nam bức xúc nói.