Hiện giá cá tra nguyên liệu sụt giảm, thương lái biệt tăm và có nguy cơ phá sản cao là tình cảnh mà không ít hộ nuôi trong tỉnh đang phải đối mặt.
Theo ông Phạm Văn Long, ở khu vực 3, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, hiện nay, giá cá tra xuống thấp và chỉ còn khoảng 18.000 đồng/kg, giảm hơn 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Vì thế, nếu hộ nào đầu tư khoảng 4 hầm cá, có diện tích trung bình từ 1.000m2 trở lên khó tránh khỏi thua lỗ vài trăm triệu đồng.
Lâm nợ rồi “treo” ao
“Trên thực tế, khi theo nghề nuôi cá tra, người dân hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn cung con giống, chất lượng thức ăn, thuốc thú y, vốn vay ngân hàng, nhất là giá cả đều do thương lái quyết định. Ngoài ra, muốn bán được cá thì phải thông qua “cò” nên giá thu mua luôn thấp hơn 500 đồng/kg so với giá thị trường, thậm chí họ còn “bẻ kèo” thu mua cá với người dân”, ông Long bày tỏ.
Còn nhớ trong năm 2014, có lúc thị trường cá tra khởi sắc trở lại, với giá thu mua ở mức khá cao, khoảng 24.000 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân lời ít nhất 2.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Vì thế, không khí thả nuôi của bà con trong tỉnh vào thời điểm này khá sôi động. Tuy nhiên, từ khi bước sang năm 2015, thị trường xuất khẩu cá tra rục rịch thay đổi, giá cá nguyên liệu liên tục hạ thấp, thương lái không mua, nhiều người xuất bán thua lỗ, lâm cảnh nợ nần buộc phải “treo” ao.
Ông Lê Văn Kiệt, ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Mặc dù đã trải qua không ít thăng trầm với nghề, nhưng trong năm 2015, bản thân tôi vẫn không khỏi lo lắng trước tình trạng mua bán khó khăn dẫn đến thâm hụt vốn nghiêm trọng. Bởi vào thời điểm đó, tôi thả nuôi trên diện tích ao khoảng 5.000m2, ước sản lượng trên 100 tấn cá tra thương phẩm”.
Thế nhưng, chẳng may ao cá của ông Kiệt chuẩn bị xuất bán lại rơi ngay thời điểm rớt giá nên bán ra chỉ 20.000 đồng/kg vẫn lỗ vài trăm triệu đồng. Cho nên ông quyết định tạm dừng nuôi rồi chuyển sang trồng màu nhằm có tiền trang trải kinh tế gia đình.
Theo nhiều hộ nuôi cá, sở dĩ nhiều người không còn gắn bó với nghề cũng do giá cá tra lên xuống thất thường, người nuôi rất khó lường và khó canh thời điểm để nuôi và xuất bán cá. Mặt khác, đầu tư chi phí nuôi cá thương phẩm khá cao và đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật thì mới mong được lợi nhuận.
Số hộ nuôi ít dần
Chị Võ Thị Lệ Thúy, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tâm sự: “Năm nay giá cá tra tăng nhanh và giảm vội. Thế nên, hầm cá tra hơn 2.000m2, ước đạt trên 70 tấn cá tra thương phẩm của tôi không kịp bán thì giá cá sụt giảm liên tục, điện thoại mãi cũng chẳng thấy thương lái đến mua”. Vì thế lúc này, chị Thúy “cố thủ” bằng cách cho cá ăn cầm chừng. Mặt khác, nhằm giảm tỷ lệ hao hụt sản lượng, chị luôn cho nước vào đầy ao, tạo diện tích mặt nước rộng, cá dễ bơi, ít nhiễm bệnh.
Nhưng đó chỉ là cách giải quyết tạm thời, nếu kéo dài thời gian, cá ốm và bị mỡ vàng thì bán với giá rất thấp.
Từ lâu, cá tra là đối tượng thủy sản mang tính chiến lược của tỉnh nên sau khi chia tách tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang đã kế thừa và tiếp tục phát triển khá mạnh. Nhất là vào năm 2010, diện tích nuôi cá tra tăng khoảng 214ha, chiếm trên 28% diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh của tỉnh. Tuy nhiên, vài năm gần đây, diện tích thả nuôi liên tục sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra, giá cả, thị trường tiêu thụ.
Ông Lê Hùng Chiến, hộ nuôi cá tra lâu năm ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho hay: Hiện nay, ước tính số hộ treo ao ở đây hơn 70%, số ít còn lại do họ đã có ăn có chịu và đã có đầu tư vào nên chưa chuyển nghề. Riêng đối với những hộ có kinh nghiệm nhưng vốn ít, tạm thời đã chuyển sang nuôi trồng các loài thủy sản khác, chờ thị trường xuất khẩu cá tra thực sự khởi sắc rồi mới tiếp tục thả nuôi trở lại với hy vọng gỡ gạc lại vốn, trả nợ ngân hàng. Đây là một tín hiệu đáng buồn cho nghề nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy nói chung, xã Đại Thành nói riêng.
Mặc dù cá tra là đối tượng xuất khẩu mạnh hơn so với một số loài thủy sản khác, nhưng giá bán hiện thấp hơn giá thành sản xuất từ 3.000 - 4.000 đồng/kg cá thương phẩm. Vì thế, ngành chức năng khuyến cáo người dân tới đây cần chủ động hơn trong liên kết sản xuất với các công ty, doanh nghiệp để ổn định đầu ra sản phẩm… Tuy nhiên, cũng có một thực tế hiện nay là các hộ nuôi cá tra ở Hậu Giang dù đã nuôi theo quy trình VietGAP nhưng đầu ra cho sản phẩm cũng rất khó khăn và giá bán ra cũng không tương xứng với chi phí mà người nuôi cá đã bỏ ra.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hậu Giang, trong những tháng đầu năm 2016, diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn 50%. Cụ thể, tổng diện tích thả nuôi loại cá này hiện còn trên 50ha, giảm hơn 60ha so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu ở thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành.