Bãi biển ven bờ xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) tấp nập thuyền thúng ra vào. Ông Phạm Cường, người khởi xướng về mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầu tiên của cả nước, chỉ cho chúng tôi về các cột tiêu, đánh dấu vị trí khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi sò lông của xã. Đây là mô hình thành công đầu tiên trên cả nước về trao quyền quản lý mặt nước cho ngư dân.
4-5 năm về trước, rất nhiều ngư dân vùng biển xã Thuận Quý phải bán thuyền để chuyển nghề vì các tàu giã cào từ nhiều nơi thường xuyên kéo lưới trái tuyến vào sát bờ biển khiến nguồn lợi hải sản cạn kiệt. "Chứng khiến những con sò lông nhỏ li ti bằng ngón tay bị bắt không thương tiếc khiến tôi thấy uổng quá. Nếu để lớn khoảng gần 20con/kg thì bán với giá cao nên tôi nảy sinh suy nghĩ xin quản lý mặt nước để nuôi tái tạo loài nhuyễn thể hai mảnh này" - ông Cường nhớ lại.
Nghĩ là làm, ông Cường làm đơn gửi các cấp, ngành xin nuôi thí điểm sò lông sinh sản trên vùng biển được giao khoán. Qua nhìn nhận việc quản lý nguồn lợi thủy sản còn nhiều bất cập, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của ngư dân, tỉnh Bình Thuận đã tiên phong tổ chức việc thúc đẩy trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven biển. Mô hình này được người dân gọi nôm na với cái tên "sổ đỏ mặt nước".
Sau khi được phê duyệt chủ trương, năm 2015, huyện Hàm Thuận Nam thành lập Hội Cộng đồng ngư dân đầu tiên tại xã Thuận Quý, với 60 thành viên. Khoảng 120tấn sò lông giống được thả xuống vùng biển khoanh nuôi, đồng thời thả 10 cội chà nhằm thu hút các loài hải sản đến sinh sống. Vùng biển tái tạo sò lông được giao người dân quản lý, trông coi và đánh dấu khoanh vùng bảo vệ. Tiếp đó, các xã ven biển Tân Thành và Tân Thuận cũng lập Hội Cộng đồng ngư dân và được giao mặt nước để tái tạo, quản lý nguồn lợi thủy sản.
Sau 3 năm thực hiện, mật độ sò lông tại huyện Hàm Thuận Nam dần phục hồi, có thời điểm đạt 150con/m2, tổng trữ lượng khoảng 100 tấn với kích cỡ từ 40-50 mm. Lượng tôm hùm, mực và cá các loại xuất hiện dày hơn. Thêm vào đó, sò lông tự nhiên bắt đầu phát triển và sinh sản trở lại ở vùng biển Thuận Quý.
Anh Nguyễn Văn Trí, một trong những người đầu tiên cùng ông Phạm Cường tham gia mô hình trao quyền quản lý mặt nước cho ngư dân ở xã Thuận Quý, cho biết thu nhập của anh và nhiều người khác tăng lên đáng kể. "Nhiều ngư dân trước đây cất lưới bỏ nghề thì đã bắt đầu mua sắm ngư cụ trở lại. Những người vẫn giữ nghề thì tiếp tục mở rộng hoạt động đánh bắt. Từ khi có mô hình này, bà con bắt đầu làm ăn ổn định" - anh Trí nói.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết mô hình này đã đạt mục đích cao nhất là bảo vệ và khôi phục được nguồn lợi thủy sản tại vùng biển này. Đồng thời, mô hình cũng chuyển đổi một cách cơ bản về nhận thức của cộng đồng ngư dân và cả chính quyền.
Theo ông Trần Văn Lanh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Hàm Thuận Nam, từ thực tế hiệu quả mô hình này, Bộ NN-PTNT đã khảo sát và luật hóa thành điều 10 của Luật Thủy sản năm 2017 (hiệu lực từ năm 2019), quy định về cách tổ chức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cuối năm 2020, Hàm Thuận Nam sẽ phấn đấu là huyện đầu tiên trong cả nước giao quyền cho cộng đồng quản lý mặt nước ven biển.