Lên núi đánh cá
Bắt đầu từ thành phố mù sương Bảo Lộc, chúng tôi men theo tuyến quốc lộ 55 quanh co đèo dốc để xuôi về miền đất Hàm Thuận trập trùng đồi núi. Từ xa nhìn lại, hồ Hàm Thuận nằm ở phía bên tay trái rộng mênh mông và được bao bọc bởi những dãy núi cao vút. Trên mặt hồ, làn nước trong xanh với những chiếc thuyền nhỏ bé nằm yên bình bên những nóc nhà nổi đặc trưng. Theo tìm hiểu, hồ chứa nước nhân tạo Hàm Thuận nằm trên sông La Ngà, một con sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Nơi này từ ngàn năm qua đã được bao bọc bởi dãy núi Chúa, một dãy núi được coi là điểm cuối của dải Trường Sơn Nam hùng vĩ kéo dài hàng ngàn cây số. Sau khi công trình thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi hoàn thành, giữa bao la núi rừng nơi đây bỗng nhiên hình thành 2 hồ chứa nước rộng lớn là hồ Hàm Thuận và hồ Đa Mi. Điều lạ lùng là 2 hồ này lại cách nhau khá xa, khoảng 3 cây số với nhiệm vụ chứa và điều tiết nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu, chứ không đơn giản chỉ là công trình thủy điện thông thường. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở Đa Mi và Hàm Thuận là từ gần chục năm nay, trên lòng các hồ này có hàng trăm người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Có thể nói, giữa trùng điệp các dãy núi cao ngút ngàn, một xóm chài nhỏ nằm nép mình ở lòng hồ Hàm Thuận là hình ảnh khá kỳ lạ mà chúng tôi được thấy trong thời gian đi qua đây. Kể về điều này, bác Đặng Văn Lành (46 tuổi) ở Lộc Nam (Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho biết: Tôi quê gốc ở dưới vùng Phù Cát (Bình Định) nhưng gia đình chuyển lên vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng từ hồi còn bé. Những năm đầu, cuộc sống trên đó cũng khá dễ chịu nhưng càng ngày, làm ăn càng khó khăn nên từ ngày công trình thủy điện này được hoàn thành cách đây 13 năm, tôi bèn đưa vợ và đứa con út ra đây sinh sống. Công việc hàng ngày chỉ đánh cá, rồi bán lấy tiền. Lâu lâu mới lại về nhà ở trên Lộc Nam. Mùa này, hồ Hàm Thuận đang cạn nước, cá tôm ít nhưng với những người làm nghề khai thác thủy sản ở đây thì lại là may mắn, bởi thường bắt được cá lớn. Về chuyện kỳ lạ này, là người có kinh nghiệm lâu năm, bác Lành bảo, do hồ này rộng hàng ngàn héc ta mà lại có nước quanh năm nên có nhiều cá lớn sinh sống. Bình thường, những loại cá sông như chép, mè lai, cá trê, lóc, mè vinh…chỉ sống qua ba, bốn mùa mưa là trọng lượng của chúng có thể lên đến chừng 20-25 ký lô rồi. Khi nước cạn, ngư dân có thể đánh bắt được những loài cá này bằng lưới kéo, lưới rê hoặc có thể câu được. Ngoài ra, trong lòng hồ có nhiều hòn đảo nhỏ, là những ngọn núi trước kia còn sót lại nên cũng là chốn cư ngụ lý tưởng cho người dân lênh đênh sông nước. Tuy vậy, có nhiều gia đình làm nghề chài lưới ở đây cuộc sống cũng khá vất vả. Như gia đình anh Lâm, chị Hạnh đồng hương của ông Lành chẳng hạn. Vợ chồng anh mới dắt díu nhau lên đây từ cuối năm ngoái mà chỉ có một cái ghe nhỏ, lưới ngắn nên đánh bắt chẳng được bao nhiêu. Đã thế, hai vợ chồng còn phải nuôi thêm 3 miệng ăn nữa. Hàng ngày, anh chị đi thả lưới đều gửi chúng ở nhà ông Lành cho chúng chơi với đứa con út nhà ông. Tuy nhiên, đó cũng còn là may mắn bởi lúc đầu mới lên đây, vợ chồng anh còn chẳng có lấy một cái nhà bè nữa. May được ông Lành cho mượn ít tiền mua tre lứa, mua tôn về buộc tạm rồi lại mua cho chiếc ghe làm sinh kế. Dường như, đó chính là cái tình, cái nghĩa của những người sông nước nơi đây, dù rằng bản thân cuộc sống của họ cũng chưa có gì làm dư dả cả.
Theo quan sát của chúng tôi, xóm chài này có khoảng hơn 50 nóc nhà tạm làm bằng tôn, lứa nổi sát bên bờ hồ. Họ đa phần là dân tứ xứ, ở quanh vùng Bảo Lâm, Di Linh (Lâm Đồng) hay Hàm Thuận, Tánh Linh, Hàm Tân…tìm đến đây cư ngụ vì trong hồ có nhiều thủy hải sản. Có thể nói, với việc nằm chênh vênh trên những dãy núi nhưng lại có nguồn lợi thủy hải sản phong phú cũng là một điểm khá kỳ lạ của hồ nước ngọt này, khiến nó trở thành địa điểm sinh sống, mưu sinh của hàng trăm người dân trong vùng. Mặc dù điều kiện sống cũng còn nhiều thiếu thốn nhưng điều quan trọng là lòng hồ Hàm Thuận này vẫn mang lại sinh kế cho họ, giúp họ kiếm đủ tiền sinh hoạt từ nguồn lợi cá tôm nên nơi đây vẫn tiếp tục là chốn cư ngụ của nhiều người.
Đặc sản đến từ trời Âu
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, ngoài việc là nơi cư ngụ của hàng trăm người dân làm nghề chài lưới sinh sống, hồ Đa Mi và hồ Hàm Thuận còn là nơi lý tưởng để nhiều người dân tìm đến tận dụng mặt nước cho việc nuôi cá tầm, một loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế cao có xuất xứ từ phương trời Âu xa xôi. Có thể nói, do địa hình bán cao nguyên lại được bao bọc bởi hàng trăm dãy núi cao lớn nên khí hậu ở Hàm Thuận-Đa Mi rất mát mẻ, trung bình chỉ khoảng 20OC nên phù hợp với môi trường sống tự nhiên của cá tầm. Nói về công việc này, anh Vũ Văn Long, một công nhân nuôi cá tầm ở hồ Đa Mi chia sẻ: Ban đầu, khi có ý định đầu tư tiền của nuôi cá tầm ở Đa Mi, nhiều người căn ngăn vì nghĩ đó là loài cá nước lạnh, chỉ có thể sống được ở những vùng khí hậu có nhiệt độ thấp chứ ở miền Trung làm sao có thể phát triển được. Tuy nhiên, do đặc thù riêng, khí hậu ở Đa Mi- Hàm Thuận lại có nét giống với một số tỉnh ngoài Bắc, phù hợp với loài cá nước lạnh này nên tôi đã thử. Sau mấy vụ làm ăn đều có lãi, hiện nay ở hồ Đa Mi và Hàm Thuận đã có hàng trăm lồng bè nuôi cá tầm bán tự nhiên. Ngoài những người nuôi cá đơn lẻ, hiện nay còn có nhiều công ty đầu tư cả tỷ đồng để nuôi cá tầm, vì điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi ở nơi này. Ngoài ra, do đây là 2 hồ nằm giữa hoang vu núi rừng nên môi trường tự nhiên cũng ít bị ô nhiễm, khả năng bị thất thu vì nuôi cá ít, khiến nó đang dần trở thành một "thiên đường” cá tầm ở dải đất miền Trung rộng lớn. Vì thế, cá tầm ở đây đang trở thành một đặc sản của tỉnh Bình Thuận, được nhiều người ưa chuộng vì sự khác lạ của chúng.
Nhìn những dãy nhà bè liền kề, nối san sát nhau giữa mênh mông sóng nước ở vùng rừng núi này, chúng tôi có một cảm giác ấm áp vô cùng bởi dường như, lòng hồ này chính là một ân huệ lớn lao mà thiên nhiên đã ban tặng cho những cư dân nơi đây.
Trong vài năm trở lại đây, ngoài việc là nơi cư ngụ của hàng trăm người dân làm nghề chài lưới sinh sống, hồ Đa Mi và hồ Hàm Thuận còn là nơi lý tưởng để nhiều người dân tìm đến tận dụng mặt nước cho việc nuôi cá tầm, một loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế cao có xuất xứ từ phương trời Âu xa xôi. Có thể nói, do địa hình bán cao nguyên lại được bao bọc bởi hàng trăm dãy núi cao lớn nên khí hậu ở Hàm Thuận-Đa Mi rất mát mẻ, trung bình chỉ khoảng 200C nên phù hợp với môi trường sống tự nhiên của cá tầm.