Những làng thuỷ cư vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm mất mỹ quan như thế này sẽ không còn tồn tại trên Vịnh Hạ Long.
Dự án khu tái định cư cho các hộ dân làng chài trên Vịnh Hạ Long có diện tích hơn 7,9ha, được khởi công xây dựng từ cuối tháng 3-2013, với tổng vốn đầu tư 167 tỉ đồng (ngân sách của tỉnh và TP Hạ Long). Cho đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đạt trên 80% khối lượng công việc. Trong đó, các phần hạng mục cấp nước, cấp điện và đường giao thông, thoát nước thải, thoát nước mặn đã cơ bản hoàn thành. Nhiều căn hộ đã được hoàn thiện xong, thiết kế khá rộng rãi, có diện tích từ 77,5-128m2, công trình vệ sinh khép kín, đáp ứng nhu cầu sử dụng của mỗi hộ gia đình.
Ông Phạm Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết: Dự án di dời nhà bè trên Vịnh Hạ Long là một dự án có ý nghĩa quan trọng. Đây là một chủ trương lớn của tỉnh với mục đích nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long và đem lại cuộc sống an cư bền vững cho người dân làng chài. Vì thế ngay sau khi phương án được UBND tỉnh phê duyệt, UBND TP Hạ Long đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, thông báo và phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để triển khai thực hiện. Đến nay, các phần công việc cơ bản đã được tiến hành xong. Theo tiến độ thi công như hiện nay, đến hết tháng 1-2014, 200 căn hộ trong khu tái định cư sẽ được hoàn thiện để đón 200 hộ gia đình ngư dân trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống. Còn lại hơn 100 căn hộ đến hết tháng 3-2014 sẽ được hoàn thành. Như vậy, vào dịp hè năm 2014, khách du lịch đi thăm Vịnh sẽ không còn thấy cảnh những nhà bè vừa gây ô nhiễm môi trường vừa làm mất mỹ quan trên Vịnh Hạ Long nữa. Bởi theo chủ trương di dời nhà bè, TP Hạ Long sẽ không giữ lại bất cứ nhà bè nào trên Vịnh Hạ Long. Sau này sẽ chỉ có hai loại hình bè ở trên Vịnh, một là bè nuôi trồng thuỷ sản, những bè này nằm trong 6 điểm nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch. Loại thứ hai là để bảo tồn những giá trị của làng chài trên Vịnh và phục vụ du lịch.
Chúng tôi đến thăm khu làng chài Cửa Vạn, một làng chài đông cư dân nhất trên Vịnh Hạ Long (với khoảng trên 130 hộ dân) và được biết, đến thời điểm này, phần lớn các hộ dân đều sẵn sàng cho việc di chuyển gia đình lên khu tái định cư. Ông Nguyễn Văn Cải, một ngư dân ở đây, nói: “Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình trong làng đang mong chờ ngày được chuyển lên đất liền. Mặc dù, tôi chưa lên tham quan khu tái định cư, nhưng nghe một số bà con Cửa Vạn đến đó về nói khu “làng mới” của chúng tôi sắp sửa hoàn thành rồi. Như vậy, khi đã có nhà trên bờ, gia đình tôi cũng như các gia đình ngư dân khác sẽ yên tâm hơn, không còn phải thấp thỏm, lo sợ mỗi khi biển động. Hơn nữa, lên bờ rồi, các cháu sẽ có điều kiện học hành tử tế hơn…”. Tuy nhiên, ông Cải cũng chia sẻ, điều mà ông cũng như nhiều cư dân làng chài trăn trở nhất, đó là sự thay đổi môi trường sống. Lên bờ rồi sẽ ra sao khi bao đời nay đã quen với cuộc sống gắn liền với biển… Khác với ông Cải, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Thị Bảy (cũng ở làng chài Cửa Vạn) lại có vẻ rất vui vì được “lên bờ”… Chị Nguyễn Thị Bảy hồ hởi khoe: “Vợ chồng tôi lên bờ tham quan khu nhà mẫu rồi, nhà cửa kiên cố lắm. Tôi nghĩ, có chỗ ở tử tế, an toàn thì việc kiếm sống đủ ăn chắc cũng không khó...”.
Một điều khá đặc biệt là các cụ già cao tuổi, những người đã gắn bó lâu đời nhất với biển, có những người đã từng suốt gần một thế kỷ nay lênh đênh trên biển, như cụ Nguyễn Văn Nuôi, cụ Nguyễn Thị Nhất v.v. thì lại rất háo hức chờ ngày chuyển gia đình lên khu tái định cư. Các cụ tỏ ra rất lạc quan về một cuộc sống mới trên bờ…Phải chăng cuộc sống lênh đênh trên biển, với bao điều lo lắng bấp bênh về bão gió, thời tiết, về kế sinh nhai v.v. của đời mình khiến cho các cụ thấy mừng vui cho con cháu khi sắp sửa có một mái nhà bình yên trên bờ?
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tái định cư trên đất liền có thể duy trì nghề nghiệp đánh bắt, nuôi trồng hải sản trên Vịnh, ổn định cuộc sống, tại khu vực ven biển Cái Xà Cong (TP Hạ Long) cũng đã quy hoạch xây dựng bến neo đậu tàu, thuyền nghề cá. Ngoài ra, thành phố cũng quy hoạch các khu vực cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh hải sản và các dịch vụ khác.
Bà Phạm Thuỳ Dương, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết, bà đánh giá rất cao về đề án di dân làng chài trên Vịnh. Bởi vì, việc di dân làng chài lên bờ sẽ giải quyết được vấn đề tăng dân số cơ học ở trên Vịnh Hạ Long từ bao năm nay. Thêm nữa, khi định cư trên bờ, trình độ dân trí người dân làng chài sẽ được nâng lên, không còn cảnh trẻ em chỉ học hết tiểu học là bắt đầu “rơi rụng”, không theo học tiếp... Các vấn đề an sinh xã hội cũng sẽ được đảm bảo. Đặc biệt là việc đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan, môi trường hoạt động kinh doanh du lịch trên Vịnh. Tuy nhiên, để chuyển đổi, tạo sinh kế cho ngư dân thì nên định hướng cho bà con tạo ra những sản phẩm du lịch, có thể kết nối khu tái định cư với một hai làng chài nguyên thuỷ tồn tại trên Vịnh để thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu thêm về cuộc sống người dân trên Vịnh. Việc lưu giữ một số mô hình làng chài, những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể vẫn được gìn giữ và giới thiệu với du khách, nhằm đảm bảo tốt việc gìn giữ giá trị văn hoá của Vịnh Hạ Long trong quá trình bảo tồn và phát triển.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, số lượng nhà bè, dân cư trên Vịnh Hạ Long phát triển nhanh, theo đó là các hoạt động tự phát đa ngành nghề đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái Vịnh. Do vậy, việc sắp xếp, di dời nhà bè để đảm bảo quy hoạch ổn định lâu dài. Cũng như đảm bảo điều kiện an toàn, phòng tránh gió bão, an toàn giao thông đường thuỷ, an ninh trật tự, nâng cao điều kiện sống cho nhân dân, bảo vệ môi trường trên Vịnh, tạo cảnh quan cho Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là một việc làm hết sức ý nghĩa.
Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, khu tái định cư cho các hộ dân làng chài trên Vịnh Hạ Long sẽ hoàn thiện, một làng ngư dân mới sẽ được hình thành. Đây sẽ là một môi trường tốt cho các hộ ngư dân sinh sống. Rồi đây, cuộc sống mới của họ sẽ ổn định hơn, được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hoá tốt hơn. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long phát triển bền vững.