Huyện Trần Văn Thời và U Minh là hai địa phương có diện tích nuôi cá bổi thâm canh lớn nhất tỉnh Cà Mau. Thời thịnh của mô hình này vào khoảng năm 2010 – 2014. Thời điểm đó, giá cá dao động 50.000 – 70.000 đồng/kg (tùy loại) giúp bà con có lãi hàng trăm triệu đồng/ha/vụ.
Gia đình ông Phạm Văn Thục là một trong nhiều hộ dân từng khám khá nhờ nuôi thâm canh cá bổi tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Với kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề, chưa bao giờ ông thấy giá thương phẩm lại thấp đến vậy. Trong khi giá thức ăn, tiền đầu tư luôn phải tăng thì giá cá lại giảm nên một bộ phận người dân nơi đây chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác hoặc treo ao.
“Mấy năm trước nuôi có lời cao. Bây giờ giá cá bổi nó xuống còn có 25.000 – 40.000 đồng/kg là cao. Giá cá thấp mà thức ăn cá lên cao quá nên không có lời, bà con bỏ không nuôi nhiều” ông Thục chia sẻ.
Số liệu của Phòng Nông Nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn Thời cho thấy, năm nay, diện tích nuôi cá bổi toàn huyện chỉ còn 74 ha, giảm hơn 140 ha so với năm ngoái.
Theo nhiều người nuôi cá bổi địa phương, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cá thương phẩm giảm là do cung vượt cầu. Vài năm qua, cùng với sự phát triển tại Cà Mau, mô hình nuôi cá sặc bổi tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cũng phát triển. Đặc biệt, năng suất cá bổi nuôi tại các tỉnh này cao hơn và chi phí thấp hơn nên khi đưa về Cà Mau tiêu thụ có giá thành thấp. Dẫn đến, con cá bổi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực tại đây khó cạnh tranh, người nuôi ngày càng khó khăn.
“Mấy người nuôi cá ở gần đây không ai có lợi nhuận hết. Mấy năm gần đây bà con ở đây nuôi cá đều thất thu. Cá cũng đạt năng suất nhưng giá thành tụt xuống thấp quá, bà con thua lỗ” - ông Hiền xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết.
Nhằm giúp người dân duy trì mô hình nuôi cá bổi, đầu năm nay, Phòng Nông Nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn đã triển khai “Dự án cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nuôi cá bổi thâm canh”. Dự án có tổng nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng. Tham gia dự án, bà con được hỗ trợ tiền con giống, thức ăn, thuốc và được tập huấn kỹ thuật. Tuy nhiên, sự nỗ lực của các ngành liên quan cũng chưa giúp người dân tháo gỡ được khó khăn.
Nghành chức năng khuyến khích bà con tận dụng nguồn cá tại địa phương để làm khô.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, chất lượng cá bổi nuôi tại Cà Mau hoàn toàn khác so với nơi khác. Thịt cá chắc hơn, thơm ngon hơn và sản phẩm khô của tỉnh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh”.
Hiện nay, một bộ phận người dân làm mặt hàng khô bổi không tận dụng nguồn cá chất lượng tại địa phương mà mua từ nơi khác rẻ hơn dẫn đến giá cá ngày càng giảm mạnh. Hàng hóa lưu thông trên thị trường là tự do, không thể can thiệp nhưng việc này vô tình làm ảnh hưởng đến thương hiệu con cá bổi của địa phương.
“Hiện nay thủ tục đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Cá khô bổi U Minh” rất đơn giản. Chủ cơ sở chỉ cần lấy mẫu đơn điền vào, rồi đưa cho địa phương xác nhận có sản xuất cá khô bổi. Sau đó đưa Hội Nông dân huyện phúc tra lại nếu đúng là cấp cho chủ cơ sở đó sử dụng” – ông Hải nói.
Cá bổi là một trong những sản phẩm chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của một số địa phương của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, với những thăng trầm của con cá bổi thì người dân đang gặp nhiều khó khăn. Nếu thời gian tới, giá cá bổi không được cải thiện, nguy cơ sẽ có nhiều người nuôi sẽ tiếp tục bỏ nghề.