Cái lạnh như cắt da cắt thịt của ngày đông, không là trở ngại với nhiều người dân ở các xã ven biển của huyện Bình Sơn và TP. Quảng Ngãi. Từ gà gáy canh ba, mỗi người với dụng cụ là một cái rổ và miếng tôn cào rau mứt, mang tơi, đội nón ra các bãi đá nham thạch để hái rau mứt.
Rau mứt có tên khoa học Porphyra crispata, thuộc ngành rong đỏ.
Hái rau mứt cần phải có kỹ thuật riêng, kiên nhẫn hái và nâng niu từng cọng rau. Rau mứt khá nhỏ và bám rất chắc vào đá, khi hái phải cẩn thận ngắt từng cọng nhỏ để không làm rau bị nát. Có một cách hái khác là dùng muỗng cạo để tách rau ra khỏi bờ đá.
Những ngày này, người dân ở vùng biển chộn rộn với mùa rau mứt.
Rau mứt là một loại rong biển chỉ sinh sôi trong thời tiết khắc nghiệt. Mùa đông, khi thời tiết mưa, lạnh, biển nổi phong ba, bão tố.
Rau mứt mọc trên các ghềnh đá nham thạch đen bóng.
Mới sinh sôi, rau mứt có màu nâu màu nâu, sau đó chuyển sang màu đen. Nếu không khai thác kịp thời, rau sẽ bị sóng cuốn trôi.
Rau mứt hái về mang ra chợ bán với giá 150.000 đồng/kg. Theo người dân thì rau mứt dùng để nấu canh. Ngon nhất là nấu canh với cá khoai và tôm. Đến khoảng hơn 8 giờ, thủy triều dâng cao, người cào rau mứt ra về. “Lộc biển” mùa biển động đã mang về cho mỗi người từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày.
Để hái được rau mứt trong mùa biển động, người dân khá vất vả, vì đá nham thạch dễ trơn trượt, trong khi rau lại mọc sát nép nước. Không ít người đã thiệt mạng vì bị sóng đánh trôi.