Giống Trung Quốc áp đảo, vì sao?
Điểm mặt một số giống cá được nuôi chủ lực tại miền Bắc hiện nay từ nước ngọt, nước mặn đến nước lạnh đều dễ dàng nhận thấy cá giống Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch đều áp đảo trên thị trường. Vì sao vậy?
GIỐNG NƯỚC NGỌT: YẾU VÀ THIẾU
Mỗi khi nhắc tới ngành thủy sản miền Bắc, tôi lại liên tưởng so sánh đến hình ảnh mà thỉnh thoảng Đài truyền hình Việt Nam vẫn hay chiếu trên tivi, đó là tại miền Nam, các hộ nuôi cá tra, ba sa chở nguyên thuyền TĂCN rồi trút cả bao xuống cho cá ăn trong khi tại miền Bắc là hình ảnh những vị cựu chiến binh, bộ đội về hưu hay một thanh niên “dám nghĩ dám làm” bẻ từng ôm ngọn sắn, tàu lá chuối, gánh cỏ hoặc cầm thúng cám gạo đem vãi xuống ao. Băn khoăn trước 2 hình ảnh trái ngược đó, chúng tôi tiến hành tìm hiểu nguyên nhân từ đâu khiến ngành thủy sản tại miền Bắc lại tụt hậu đến vậy.
Đầu tiên, chúng tôi tiến hành khảo sát lĩnh vực thủy sản nước ngọt. Ngoài các loại cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè thì mấy năm gần đây rô phi là giống cá được nuôi phổ biến nhất tại miền Bắc. Theo chia sẻ của ông Đỗ Đức Diện - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thủy sản Hà Nam, địa phương có phong trào nuôi thủy sản khá phát triển, Hà Nam giờ không còn trại giống cá bố mẹ nên mỗi năm phải nhập trên 150 triệu cá giống thương phẩm về nuôi. Với cá rô phi, ông Diện cho biết, người dân Hà Nam rất chuộng các dòng Đường Nghiệp, Sodan, siêu tốc của Trung Quốc và chúng đang chiếm thị phần chính cá rô phi nuôi tại Hà Nam.
Nhắc tới các sản phẩm trong nước, ông Diện nói thật là cá rô phi dòng Gift của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Viện 1) cũng khá tốt, nhưng so với rô phi của Trung Quốc có phần đuối hơn khi tính cái còn nhiều và sinh trưởng còn chậm. Cụ thể, cùng nuôi 5 tháng rô phi dòng Gift của Viện 1 chỉ đạt khoảng 600 gam thì rô phi của Trung Quốc đạt 700 - 800 gam, thậm chí là 1kg. Tuy nhiên, ông Diện đánh giá rất cao dòng chép lai 3 máu của Viện 1, nhưng buồn là sản lượng giống Viện 1 bán ra lại quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu. Ông Diện chia sẻ, không chỉ Hà Nam mà hầu hết các tỉnh có sản lượng cá rô phi lớn tại miền Bắc hiện nay như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh… các dòng cá của Trung Quốc, Đài Loan vẫn đang áp đảo trên thị trường.
Một nguyên nhân khác khiến các dòng cá rô phi trong nước không cạnh tranh được với cá rô phi nước ngoài, bởi tháng 3 - 4 hàng năm, Trung Quốc đã có cá hương, cá bột bán tràn lan tại Việt Nam, trong khi các trại cá giống ở các địa phương của ta phải đến tận tháng 5 mới có giống để cung cấp ra thị trường. Chính vì vậy, mới xảy ra nghịch lí người dân ồ ạt vào cá từ tháng 3, tháng 4 chiếm đến 70 - 80% nên các cơ sở trong nước chỉ cạnh tranh được thị phần 20 - 30% ít ỏi còn lại.
Chúng tôi được biết, ông Trịnh Huy Đang - Giám đốc Cty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương, một trong những đơn vị hiếm hoi nhập cá rô phi bố mẹ từ Viên 1 về SX cá giống thương phẩm. Nhưng qua trao đổi, ông Đang tâm sự, Cty mới đang tiến hành đào ao sâu để giữ cá bố mẹ qua mùa đông, hy vọng sẽ có cá giống đúng vào dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm để cạnh tranh với cá rô phi giống Trung Quốc, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thành công.
MẶN, LẠNH: LỆ THUỘC!
Về lĩnh vực cá nước mặn, hiện đứng đầu bảng là các dòng cá song, tiếp đến là cá giò, chim vây vàng… là những giống cá đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhu cầu thị trường lớn, song gần như vắng bóng các cơ sở nghiên cứu trong nước. Như lời bộc bạch của ông Vương Văn Oanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh, hiện nhu cầu về cá giống nước mặn và nước ngọt của Quảng Ninh mỗi năm 2 - 3 tỉ con thì hơn nửa trong số đó phải nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc mà thực chất chính là nhập lậu. Đặc biệt, lĩnh vực cá nước mặn, để có giống bán hàng năm các cơ sở nuôi trồng tại Quảng Ninh một phần đi vớt cá bột, cá hương ngoài biển, còn lại đều phải nhập tiểu ngạch từ nước ngoài, cá giống trong nước cũng có nhưng sản lượng cung ứng chỉ như muối bỏ biển.
Chuyển sang lĩnh vực cá nước lạnh, phổ biến trên thị trường là cá hồi vân và cá tầm được nuôi tại một số tỉnh phía Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Tam Đường (Lai Châu), Lạng Sơn, Bắc Giang… Trong đó, Lào Cai là địa phương có phong trào nuôi cá nước lạnh phát triển nhất. Về cá hồi vân, đây có lẽ là giống cá hiếm hoi mà hiện trong nước chúng ta tự chủ động SX và đáp ứng được nhu cầu. Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1), mỗi năm đơn vị này cung ứng ra thị trường trên 80 vạn cá hồi giống. Trong đó, riêng tỉnh Lào Cai tiêu thụ xấp xỉ 50 vạn, số còn lại được bán cho các địa phương khác.
Cũng là cá nước lạnh, song trái ngược với cá hồi vân, thị trường cá tầm giống hiện nay đến 80% phụ thuộc vào giống của nước ngoài. Không riêng gì Viện 1 mà hầu như tất cả các đơn vị trong nước chưa nơi nào nuôi sinh sản cá tầm thành công mà mới chỉ mua trứng về ấp nở rồi bán, song tỉ lệ nở, tỉ lệ cá bột lên cá hương vẫn rất thấp. Chính vì vậy, chi phí để SX ra cá tầm giống của ta đang cao chót vót dẫn tới giá giống đắt đỏ, khó cạnh tranh được với giống cá tầm của nước ngoài, đặc biệt là cá tầm giống giá rẻ từ Trung Quốc. Nhìn chung, khảo sát một loạt những giống thủy sản được nuôi với quy mô, số lượng lớn tại miền Bắc hiện nay, vai trò của các đơn vị nghiên cứu, SX trong nước mới chỉ đáp ứng được với con cá hồi vân, chép 3 máu và một phần nhỏ cá rô phi đơn tính, còn lại chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn giống từ tự nhiên và nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc dù bản chất đó chính là giống nhập lậu.
Tôi nhớ một lần đi cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu làm việc tại Phú Thọ, khi tới thăm một xã có phong trào nuôi thủy sản phát triển của huyện Tam Nông, vị cán bộ xã khoe cá nuôi tại địa phương đạt trung bình vài tấn/ha.
Nghe xong, Bộ trưởng cười và nói thật rằng, năng suất cá nuôi như vậy còn quá thấp. Đây là điều thôi thúc chúng tôi thực hiện loạt bài này, tìm hiểu xem trình độ nuôi thủy sản phía Bắc đang ở đâu?