Dân chịu thiệt trong “liên kết dọc”
Ghi nhận tại một số khu vực nuôi cá tra trọng điểm ở An Giang và Cần Thơ thấy, do không đủ vốn đầu tư ao nuôi nên hầu hết các hộ phải liên kết với các DN chế biến thuỷ sản hoặc đại lý bán thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, nông dân luôn ở thế bị động và chịu thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Tâm, người nuôi cá tra lâu năm tại huyện Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) cho biết, hiện có 2 hình thức hợp tác nuôi cá tra giữa DN và nông dân. Thứ nhất là DN giao nguyên liệu, nhận thành phẩm. DN đầu tư cho nông dân vốn với mức 3.300 - 5.000 đồng/kg cá thành phẩm (tùy DN). Số tiền này người dân tự mua con giống, thuốc thú y, thức ăn, thuê nhân công và chịu các chi phí khác. Bên cạnh đó, DN cũng sẽ cung cấp cho người nuôi lượng thức ăn thủy sản (khoảng 1,6kg thức ăn/kg cá). Thứ hai là DN chọn những người nuôi có năng lực nhưng thiếu vốn ở giai đoạn cuối để hợp tác. Theo đó, người nuôi phải lo từ con giống, ao nuôi, đến khi cá đạt trọng lượng từ 0,5kg/con trở lên thì được DN tiếp sức bằng cách đầu tư thức ăn, giá thu mua cá sẽ được tính theo giá thị trường.
Do thiếu vốn ở giai đoạn đầu nên hiện nay, đa số người nuôi chọn hình thức hợp tác thứ nhất, mặc dù lợi nhuận thu được ít hơn. Tuy nhiên, theo ông Tâm, dù ở hình thức nào thì nông dân cũng bị động, phải chịu nhiều rủi ro như dịch bệnh, hao hụt, nhưng nếu không hợp tác thì chỉ có nước… treo ao vì không đủ vốn.
Tương tự, bà Phạm Thị Thẳng ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú - An Giang) cho rằng, hợp đồng ràng buộc giữa DN và người nuôi hiện nay chỉ mang tính chiếu lệ, hình thức, bởi trong mối quan hệ với DN, người nuôi luôn nắm “đằng lưỡi”. Trong hợp đồng, mặc dù DN thoả thuận sẽ thanh toán 20-30% số tiền sau khi bắt cá và thanh toán hết sau 1 tháng, nhưng thực tế thấy, nếu may mắn thì sau 5-6 tháng, người dân mới nhận được tiền, còn nếu không may gặp các DN làm ăn thua lỗ thì bị chiếm dụng vốn, quỵt nợ. Hậu quả là, người nuôi vừa cạn vốn, vừa mắc nợ ngân hàng, không thể đầu tư nuôi trở lại.
“Bây giờ điều nông dân quan tâm nhất là Nhà nước giám sát việc DN mua cá của dân. Thực tế là công ty nào cũng chiếm dụng vốn, nhất là những công ty nhỏ, thường chỉ trả 50% tiền cá, sau đó bỏ trốn hoặc chây ỳ khiến nhiều hộ phải bán cả nhà, đất để trả nợ vay”, bà Thẳng nói.
Việc DN chế biến thuỷ sản chiếm dụng vốn của người dân thường bắt nguồn từ mối liên kết lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm giữa DN và người nuôi. Hầu hết người nuôi khi được hỏi đều cho biết, họ ít có điều kiện tìm hiểu thông tin về DN mà chỉ thông qua quen biết, mối lái rồi dựa vào cảm tính để hợp tác với DN. Đến khi DN thua lỗ, vỡ nợ bỏ trốn thì bà con mới biết mình bị lừa. Không ít hộ đã đầu tư tiền tỷ để nuôi cá, sau khi bị DN chiếm dụng vốn đã tán gia bại sản, trở thành nợ xấu của ngân hàng (NH).
Trao đổi với phóng viên về điều này, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An (quận Ô Môn - TP. Cần Thơ) cho rằng: Thời gian qua có nhiều DN thuỷ sản làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản, khi vỡ lở mới biết họ dùng tiền vốn NH và chiếm dụng vốn của người dân để đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán. “Chính vì thế, chúng ta cần đặt dấu hỏi xem, khoản vốn vay 38.000 tỷ đồng giải cứu cá tra tính đến tháng 9/2012 như công bố của Ngân hàng Nhà nước có được DN sử dụng đúng mục đích hay không”, ông Hải nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Hải, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc đầu tư “ngoài luồng” của DN thuỷ sản đối với nguồn vốn vay ưu đãi từ các NH cần được xem xét và giám sát lại. Không loại trừ một số công ty và cá nhân đã lập dự án kinh doanh cá tra để vay vốn, nhưng lại đầu tư vào ngành khác, chưa kể có những DN “đã chết” từ vài năm nay nhưng NH ngại nợ xấu, không dám công bố nên vẫn đưa dư nợ của họ vào doanh số cho vay.
Cần NH làm cổ đông
Theo ông Minh, ngành NH cần rà soát lại việc cấp vốn đầu tư cho DN trong thời gian qua, để từ đó cùng ngành xuất khẩu thủy sản cơ cấu lại nhằm hoạt động tốt hơn. Trên cơ sở rà soát, những DN đầu tư đúng hướng, phát triển ổn định thì các NH nên mạnh dạn đầu tư vốn, còn DN đầu tư sai mục đích, thua lỗ thì để các DN lớn mua lại nhằm khôi phục sản xuất. Trong trường hợp này, NH nên chấp nhận lỗ, mua lại khoản nợ trước đây rồi bán cho các DN phát triển bền vững, chỉ với cách đó thì NH mới có khả năng thu hồi nợ.
Ông Minh cho rằng, hiện đang có nhiều DN thua lỗ tham gia vào ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản, khiến nội bộ ngành bị mất ổn định nghiêm trọng. Nếu không mạnh dạn tái cơ cấu ngay từ bây giờ thì những tháng tiếp theo của năm 2013, tình trạng thiếu nguyên liệu chắc chắn sẽ xảy ra. Rủi ro về mặt giá cả, khả năng chậm thanh toán sẽ khiến nông dân không mặn mà với việc nuôi cá, hệ quả là giá đầu vào, đầu ra sẽ có nhiều biến động, tạo cơ hội cho các DN chiếm dụng vốn lẫn nhau và dễ dẫn đến việc không kiểm soát được thị trường.
“Hiện, các DN ngành cá tra được chia thành ba nhóm rõ rệt. Nhóm A gồm khoảng 10 DN lớn có thị trường XK, có vùng nuôi riêng, không bị mất vốn. Đối với nhóm này, các NH nên tiếp tục bơm vốn, làm “đầu tàu” để kéo cả thị trường. Nhóm B là các DN cũng có thị trường, có vùng nuôi nhưng bị hụt vốn lưu động (chiếm khoảng 50% nhà máy) thì các NH cần xem xét tình hình sản xuất kinh doanh của từng DN để tìm cách tháo gỡ. Tốt nhất là NH chủ động cơ cấu lại bằng cách chuyển nợ thành vốn góp cổ phần để tham gia trực tiếp vào việc quản lý nhà máy, từ đó sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Riêng đối với các DN nhóm C, tức là các DN ra đời bằng vốn kích cầu giai đoạn 2008-2009 đã cạn vốn 2-3 năm nay thì nên chấp nhận cho phá sản để không tạo thêm nợ xấu cho NH, cũng như giảm thiểu nguy cơ chiếm dụng vốn của người nuôi cá”, ông Minh nói.