Những ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn đều không xa lạ gì với cá diếc - loài cá tạp, được bán rất rẻ mỗi khi người dân tát ao hay đánh lưới mùa lũ, lụt. Khoảng 20 năm trở về trước, loài cá dân dã này có rất nhiều ở các đầm, ao, hồ, sông, đồng ruộng vùng nông thôn miền Bắc.
Đặc biệt, lứa tuổi 7x, 8x dù ở nông thôn hay thành thị quá quen thuộc với những món ăn dân dã chế biến từ loài cá này trong những ngày tháng khó khăn, lương thực, thực phẩm khan hiếm.
Tuy nhiên, hiện nay cá diếc đã trở thành đặc sản với giá bán khá cao, có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng với những cách chế biến đa dạng. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra loại cá này có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Siêu thực phẩm giàu dinh dưỡng
Cá diếc còn có tên gọi là tức ngư, phụ ngư… Trong Đông y, cá diếc vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ tỳ kiện vị, ích khí, bổ huyết, hành thủy, tiêu thũng, tiêu khát, sát khuẩn, dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, đầy bụng, tiêu hóa kém, thúc đẩy việc tạo sữa, trị viêm đại tràng mạn tính, chữa vàng da.
Trong thành phần thịt cá diếc còn có chất béo và axit béo không bão hòa đa, chủ yếu là omega-3, axit eicosapentaenoic (EPA)… có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, ung thư... Ngoài ra, thịt cá diếc còn chứa một lượng khá lớn vitamin A, D và B2, E, B1, niacin...
Cá diếc có tác dụng phụ trợ điều trị các triệu chứng do tỳ hư, thấp trọng gây ra như: mệt mỏi miệng ăn không thấy ngon, cổ trướng, phù thũng... Nó còn có tác dụng với bệnh sưng loét, tiêu chảy ra máu, bệnh lỵ...
Trong một số bài thuốc dân gian và các sách y học cổ đại, người ta thường dùng cá diếc với một vài vị thuốc Đông y chế biến thành dược thiện (món ăn thuốc). Ảnh: bepmina.vn
Bài thuốc dân gian từ cá diếc
Khí huyết hư tổn, thân thể suy nhược, ăn ít, mệt mỏi: Cá diếc 250g, gạo nếp 60g; cá làm sạch, bỏ vảy và nội tạng, nấu với gạo nếp thành cháo để ăn.
Đầy hơi, nôn mửa: Cá diếc 1 con, bỏ ruột, để vảy; tỏi xắt nhỏ cho hết vào bụng cá; dùng giấy thiếc gói kỹ, nướng chín, nghiền thành bột, mỗi lần uống 3g với nước cơm, ngày 2 - 3 lần.
Ít ngủ, ngủ không ngon giấc: Cá diếc 300g, lá vông nem bánh tẻ 50g, hoa thiên lý 50g, gia vị; xương cá giã nhỏ lọc lấy nước khoảng 400ml, nấu sôi rồi cho lá vông và hoa thiên lý cùng với phần cá nạc, nấu sôi lại là được. Lưu ý nên ăn nóng lúc đói vào buổi chiều; ngày 1 lần trong một tuần lễ.
Chữa viêm đại tràng mạn: Cháo cá diếc có tác dụng ích khí kiện tỳ, rất phù hợp sử dụng cho người mắc chứng viêm đại tràng mạn. Cá diếc 1 con khoảng 250 – 300g, gạo tẻ 50g. Làm sạch cá cho vào nồi hầm kỹ lấy nước cho gạo vào nấu thành cháo nhừ mới cho cá vào nêm gia vị vừa miệng, ăn nóng.
Tăng cường bản lĩnh đàn ông: Cá diếc 2 con, mỗi con khoảng 300g, nuôi 1 ngày cho nhả hết bùn, đánh vảy, vây, bỏ nội tạng và màng đen trong bụng; tôm 300g, thịt heo băm 100g, lòng đỏ 2 trứng gà, lòng trắng 1 trứng gà, rượu vang đánh đều thành nhân tôm nõn.
Đảo mỡ hành gừng cho thơm rồi cho nước lạnh, cá diếc, rượu vang vào nấu sôi 5 phút; sau đó đổ nhân tôm nõn vào nồi; có thể thêm mộc nhĩ, nấm hương; nấu cho đến khi tôm nổi lên, nêm gia vị rồi ăn.
Bổ huyết và dưỡng da: Cá diếc 1 con, cẩu kỷ tử 10 - 12g, hoàng kỳ 12g, gừng sống 3g, hành, giấm, đường, hồ tiêu, rượu vang. Nấu làm món ăn bổ huyết làm da hồng hào tươi mát.
Chữa viêm loét dạ dày: Bong bóng cá diếc rửa sạch rán giòn bằng dầu vừng sau đó tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 – 6g, chiêu với nước ấm.
Cá diếc có giá trị dinh dưỡng cao cùng khả năng chữa bệnh tuyệt vời và dễ dàng chế biến thành những món ngon dân dã. Ảnh: vietgiaitri.com
Những người nào không nên ăn cá diếc?
Cá diếc có giá trị dinh dưỡng cao, do đó một số nhóm người không nên ăn nhiều. Trong đó bệnh nhân gút, dị ứng với cá, người mắc bệnh gan và thận đều cần kiêng kị. Nói chung, người mắc các chứng bệnh có urê huyết cao, hôn mê gan không nên ăn cá diếc.