Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 4/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm của những tháng trước, đạt 287 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường. Trong top 10 thị trường nhập khẩu đơn lẻ của tôm Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ, EU ghi nhận giảm mạnh nhất, trên 45%. Xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ghi nhận giảm quanh mức 30%.
Tính riêng trong tháng 4/2023, trong top 10 thị trường nhập khẩu đơn lẻ, Anh và Hồng Kông là 2 thị trường có ghi nhận tăng trưởng lần lượt 2% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18% tỷ trọng. Tính tới tháng 4 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 159 triệu USD, giảm 45%. Riêng trong tháng 4 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đạt 55 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường
Dẫn số liệu của FAS.USDA, bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ đạt hơn 181.111 tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trung bình tôm nhập khẩu vào Mỹ cũng liên tục giảm. Giá trung bình tôm nhập khẩu vào Mỹ trong quý 1 năm nay đạt khoảng 8,3USD/kg, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 11% so với giá trung bình của cả năm 2022. Hầu hết quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ đều sụt giảm mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ hầu hết trong trạng thái nghe ngóng tình hình. Dự kiến, phải đến tháng 8 năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ mới có thể sôi động trở lại.
Nhật Bản đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 16% tỷ trọng. Tháng 4/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 41 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 146 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hongkong 4 tháng đầu năm nay đạt 136 triệu USD, giảm 27% trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 105 triệu USD, giảm 30%.
Người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị…Trong khi đó, chi tiêu dùng của Nhật Bản cũng ghi nhận giảm trong tháng 3/2023 với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm.
Tại Trung Quốc, nhập khẩu hàng hóa của nước này trong tháng 4/2023 giảm mạnh hơn so với tháng trước đó. Tình hình này gây nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo chuyên gia của VASEP, trong bối cảnh đó, giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam từ khoảng giữa tháng 4 ghi nhận giảm, gây nhiều áp lực cho người nuôi lẫn doanh nghiệp.
Giá tôm nguyên liệu tại một số nước sản xuất tôm chính như Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ cũng có xu hướng tương tự. Tồn kho cao, nguồn cung tôm nguyên liệu tăng từ Ấn Độ, Ecuador trong khi tiêu thụ chậm là một trong những nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu trên thế giới giảm. Tình hình này không chỉ gây ra khó khăn cho các nhà sản xuất tôm mà cả nhà nhập khẩu, phân phối trên thế giới.
Doanh nghiệp và bà con cần có sự chia sẻ về giá cả từ mảng thức ăn, con giống, chế phẩm đầu vào cho nuôi tôm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và bà con trong ngành đang rất chờ đợi sự tiếp sức từ gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trong tháng 5 này.
"Nếu có được gói vay với lãi suất thấp, sẽ có tác dụng kích cầu để doanh nghiệp thu mua tôm nguyên liệu cho bà con nông dân. Từ đó, giúp doanh nghiệp chuẩn bị trước để đón đầu thị trường phục hồi trong thời gian tới", chuyên gia của VASEP nhận định.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những ngày qua nhiều doanh nghiệp thủy sản thông báo kết quả kinh doanh và lợi nhuận sụt giảm từ đầu năm tới nay. Cụ thể, XK thủy sản Việt Nam sang các thị trường chủ lực tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2023 đã phản ánh sự tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế ở các nước với nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản.
Bức tranh thị trường phần lớn che phủ bởi gam màu xám khi mà kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều nước lớn. Cụ thể, trong tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh nhất, 53%, sang EU giảm 40%, Trung Quốc giảm 40%, Hàn Quốc giảm 30% và Nhật Bản giảm 15%.
Theo VASEP, chỉ có một số ít thị trường có tín hiệu tốt trong tháng 4. Trong đó, XK thủy sản sang Anh tăng nhẹ 1%, sang Nga tăng 25%, Israel tăng 21%, Brazil tăng 5%, đặc biệt sang Ả rập Xê út tăng 67%. Các mặt hàng XK chính vẫn trong tình trạng tăng trưởng âm trong tháng 4. XK cá tra giảm mạnh nhất, âm 52%, tôm sụt giảm 35%, cá ngừ giảm 38%, mực bạch tuộc giảm 11%. Các sản phẩm từ cá biển khác có xu hướng khả quan hơn vì chỉ giảm nhẹ 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.