Đặc điểm và môi trường sống
Tôm hùm đất (tên tiếng anh là Crawfish), động vật giáp xác nước ngọt nhỏ trông giống như tôm hùm phiên bản thu nhỏ. Chúng còn được gọi là tôm hùm đỏ, tôm càng, tôm hùm nước ngọt tùy thuộc vào cách gọi khác nhau của từng khu vực. Là món ăn quen thuộc của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có sức tiêu thụ loài tôm này nhiều hơn cả. Ước tính mỗi năm, tôm hùm mang về khoảng 40 tỷ USD cho Trung Quốc trong năm 2018, là kế sinh nhai của nhiều hộ dân. Và tại Mỹ, tôm hùm đất cũng tạo ra giá trị hàng trăm triệu USD.
Khác với những loại tôm hùm cỡ lớn có thể từ vài trăm gram đến cả kí lô gam, tôm hùm đất sở hữu kích thước khiêm tốn chỉ khoảng 7-16 cm, thân to bằng hai đốt ngón tay. Loài tôm này sở hữu 2 chiếc càng to như càng cua còn phần đuôi nhỏ cong như tôm thường thấy. Kích thước của chúng cũng chỉ khoảng 10-20 cm và nặng chừng 50 gram.
Tôm hùm đất sở hữu kích thước khiêm tốn chỉ khoảng 7-16 cm. Ảnh: 999ktdy.com
Phần lớn tôm hùm đất sống dưới nước, thường ẩn nấp bên dưới các tảng đá, khúc gỗ mục, bùn cát và thực vật thủy sinh. Một số loài đào hang có ống dẫn khí thông lên mặt đất và dành cả đời sống dưới mặt đất, chỉ lộ diện khi tìm bạn tình. Các loài khác vừa sống trong hang vừa lần mò kiếm ăn ở vùng nước thoáng. Nhiều loài sống chủ yếu dưới nước, chỉ rúc vào hang khi mang thai, cần tránh động vật săn mồi hoặc thời tiết lạnh.
Vì sao Việt Nam không nuôi loài tôm này?
Viện phó Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho rằng việc đưa loài này vào nuôi ở Việt Nam có thể đem lại chút lợi ích trước mắt, nhưng tác hại gây ra cho nông nghiệp rất khủng khiếp, kéo dài. Chúng bò nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt hơn ốc bươu vàng.
Việt Nam đã nhập khẩu tôm hùm đất từ Trung Quốc, nuôi thử nghiệm ở tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình và Hà Nam vào năm 2006. Kết quả cho thấy loài này sống ẩn nấp trong rễ cây ven sông hồ, thậm chí bò lên cạn thở bằng oxy, thường đào hang sâu 1-2 m nên có khả năng phá hủy hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.
Chúng còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt loài tôm, cá bản địa. Trung Quốc có thể nuôi trồng loài tôm này vì điều kiện đất đai rộng lớn, có nhiều thủy vực tự nhiên không canh tác hoa màu. Còn Việt Nam, đa số diện tích đất nông nghiệp trồng lúa nước với thửa ruộng nhỏ, tôm hùm đất phát tán ra ngoài sẽ phá hoại mùa màng.
Tôm hùm đất có giá trị dinh dưỡng ra sao?
Theo nhận định của một số người đã từng thưởng thức loài tôm này. Thịt của chúng tuy không có thớ thịt lớn như các loại tôm khác nhưng có vị bùi, độ đạm cao. Phần đầu tôm mềm nên có thể nhai ăn được. Trong 1 kg tôm hùm đất có tới 14 gram protein, 70 calo, 115 miligram cholesterol cùng lượng nhỏ chết béo.
Thịt của chúng tuy không có thớ thịt lớn như các loại tôm khác nhưng có vị bùi, độ đạm cao. Ảnh: windsoreats.com
Ngoài ra, còn có các chất dinh dưỡng khác như Vitamin B6 (có công dụng ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu, thúc đấy sức khỏe não bộ,..), B12 (hỗ trợ khỏe xương, cải thiện tâm trạng, bổ não,…), carbohydrate… Ăn tôm hùm đất giúp bạn sở hữu đôi mắt khỏe, đẹp, rất tốt cho hệ thần kinh, gan, tóc và da. Bên cạnh đó, nguồn phosphorus, magie và kẽm dồi dào có trong thịt giúp cơ bắp phát triển, xương chắc khỏe, tăng cường miễn dịch.
Cách ăn tôm hùm đất
Tôm hùm đất thường được luộc hoặc hấp, đây là một cách chế biến truyền thống. Tôm hùm đất có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau, hấp, luộc, hoặc sốt đều ngon.
Ngoài ra, cách làm tôm hùm đất sốt Cajun là một cách rất phổ biến và khiến nhiều tín đồ ẩm thực mê mẩn bởi sự cầu kì từ nguyên liệu đến khâu chế biến qua nhiều công đoạn.
Tôm hùm đất có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau, hấp, luộc, hoặc sốt đều ngon. Ảnh: sandnsol.com
Món tôm hùm đất Cajun thường được ăn kèm với bánh mì, ngô và khoai tây. Khi ăn sẽ mang lại cảm giác lạ miệng đặc trưng và đặc biệt là vị ngọt dai của tôm cùng với vị cay của sốt, vị thơm của các gia vị đi kèm.
Tùy vào nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của tôm mà mức giá có sự chênh lệch đáng kể. Theo khảo sát, giá của loài tôm hùm đất trên thị trường dao động phổ biến trong khoảng 200,000 – 400,000 vnđ/kg.