Tận dụng bờ bao Nhà nước hỗ trợ đầu tư để phát triển mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, anh Đồi đã xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với lợi thế diện tích rộng 7ha, mỗi năm anh Đồi làm 2 vụ lúa và thả 1 vụ cá đồng kết hợp nuôi vịt. Do hiệu quả kinh tế cao nên anh Đồi đã phát triển mô hình này 6 năm nay. Theo anh đây là mô hình sản xuất kết hợp với chăn nuôi thể hiện tính ưu việt; đồng thời hỗ trợ lẫn nhau để tăng hiệu quả sản xuất.
Anh Đồi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nằm trong Chương trình 135 được Nhà nước hỗ trợ làm bờ bao, mương để phát triển mô hình nuôi cá trên ruộng lúa. Sau này, tôi lấp mương và giữ bờ bao tận dụng để phát triển mô hình sản xuất kết hợp trồng trọt, chăn nuôi cá - lúa - vịt. Sau khi thu hoạch vụ lúa Thu - Đông là lúc nước nổi tràn về nên tôi nuôi cá đồng, như cá lóc, rô, sặc rằn, cá trê. Nuôi với diện tích lớn nhưng hầu như giống cá của nhà để lại, chỉ phải mua giống cá trê. Để nuôi đạt hiệu quả thì giai đoạn ươm giống quan trọng, trong đìa ương tuyệt đối là không có cá tạp, đặc biệt nếu cá lóc vào sẽ ăn hết cá con; ổn định được môi trường nước trong quá trình nuôi. Vì vậy, tôi thường xuyên bơm nước để giữ mực nước trong ao từ 3 tấc đến 4 tấc. Sau khi ươm hơn 1 tháng, cá phát triển tốt đạt từ 110 con/1kg đến 130 con/1kg thì thả ra ruộng. Muốn cho cá ra ruộng nhanh thì chờ mấy đám mưa lớn vào đêm để cá ra mạnh hoặc bơm nước ở ngoài ruộng cao. Hàng năm, tôi đều ươm 3 ao cá giống, với diện tích khoảng 600m2 nên không phải mua cá giống, giảm chi phí rất nhiều”.
Nuôi vịt - cá trên ruộng lúa mùa nước nổi giúp gia đình anh Nguyễn Cao Đồi tăng gấp đôi nguồn thu nhập.
Để thành công như ngày hôm nay thì ngoài kinh nghiệm tích lũy qua các năm sản xuất, hàng năm anh Đồi đều được Trạm Khuyến nông thị xã hỗ trợ con giống và kỹ thuật chăm sóc nên mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh năm nào cũng mang lại lợi nhuận cao. Theo anh Đồi, để nuôi cá đạt hiệu quả, đến tháng 9 (âm lịch), khi thời tiết trở gió thì cá nhảy phóng đi để kiếm đìa, bọng trú ẩn nên anh đầu tư hệ thống bờ bao kiên cố cùng với căng lưới giáp ranh cao nên nuôi cá không bị thất thoát. Nuôi cá trên ruộng giúp cá phát triển tự nhiên cho đến gieo sạ lúa Đông - Xuân mới rút nước thu hoạch. Cách làm này không tốn chi phí thức ăn, chỉ đầu tư lưới đăng thu hoạch cá tự nhiên, nên luôn bán được giá cao. Hơn nữa trong thời gian này nguồn thức ăn rất dồi dào từ lúa thu hoạch rơi vãi ở vụ trước cùng các loại thức ăn tự nhiên khi mùa nước nổi về nên cá mau lớn, bán được giá. “Năm ngoái, tôi bán cá lóc chỉ có giá 80.000 đồng/kg nhưng năm nay tôi bán đầu vụ được 110.000 đồng/kg, cá trê thương lái về tận nơi mua 75.000 đồng/kg và cá sặc rằn bán khoảng 55.000 đồng/kg. Sau 6 tháng thả nuôi, khoảng giữa tháng 4 âm lịch đến đầu tháng 10 âm lịch là cho thu hoạch. Hiện tôi đang rút nước cạn thu hoạch cá để sạ lúa vụ Đông - Xuân. Vụ này sau khi để lại cá cái làm giống cho vụ sau thì cũng lời trên 70 triệu đồng từ cá” - anh Đồi cho hay.
Hàng năm, ngoài thu nhập từ nuôi cá, lúa thì anh Đồi còn tăng thu nhập nhờ nuôi vịt. Khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch, sau khi cắt lúa vụ Hè - Thu xong, anh Đồi bắt đầu nuôi hàng ngàn con vịt cỏ. Theo anh Đồi, khi bắt vịt về chỉ nhốt trong chuồng hơn 20 ngày sau đó thả ra đồng. Lúc này tận dụng diện tích đồng nhà rộng và mua một số đồng ở ngoài nên sau khi lúa được thu hoạch xong, nguồn thức ăn dồi dào từ tự nhiên và lúa rớt xuống, thời điểm này không tốn nhiều thức ăn cho vịt. Bên cạnh nuôi vịt thả đồng thì vào mùa nước nổi, anh còn lên sàn nuôi vịt Sipi. Anh Đồi chia sẻ: “Từ tháng 5 – 10 (âm lịch) ruộng bị ngập nước. Đó không chỉ là điều kiện thuận lợi để tôi nuôi cá trên diện tích ngập nước mà tôi còn tận dụng không gian để lên sàn nuôi vịt. Phân vịt rớt xuống ruộng cho cá ăn. Vì vậy, vịt, cá mau lớn và vụ lúa sau rất tốt do đất đai màu mỡ. Thời gian nuôi khoảng 45 ngày là xuất chuồng, tôi mới bán một đợt, trọng lượng trung bình khoảng 3,1kg/con, với giá 35.000 đồng/kg. Hiện tôi đang mua thêm khoảng gần 500 con vịt Sipi nữa về nuôi”. Nhờ hệ thống chuồng trại được làm khoa học, thoáng mát, phân vịt được xử lý tốt cùng với chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn vịt của gia đình anh phát triển rất tốt. Nhờ vậy, mỗi năm anh Đồi cũng thu về hàng trăm triệu đồng từ nuôi vịt.
Thực tế cho thấy, việc phát triển mô hình sản xuất theo hướng kết hợp giữa cá - vịt trên ruộng lúa của anh Đồi chẳng những giúp tăng thu nhập trên cùng một diện tích mà sản xuất lúa trên ruộng nuôi cá cũng ít bị sâu bệnh, tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất ổn định. Vì vậy, mô hình này có thể nhân rộng, vì đây là mô hình sản xuất theo hướng bền vững, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.