Hằng năm, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp chính quyền các huyện và thị xã hỗ trợ nông dân 20 triệu con cá bột và 50 tấn cá giống nước ngọt các loại, chủ yếu là các loại cá bản địa phù hợp với thổ nhưỡng, nguồn nước và cho giá trị kinh tế cao như: cá lóc, cá trê vàng, tôm càng xanh.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình sản xuất giống tôm càng xanh cũng được hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng/năm/trường hợp. Tỉnh cũng lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình quốc gia để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giúp người dân phát triển nuôi cá nước ngọt thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn người dân vẫn thả nuôi theo hướng tự phát, nhỏ lẻ cho nên chưa phát huy được tiềm năng cũng như thế mạnh của vùng, chưa tạo được thương hiệu riêng cho từng sản phẩm. Một số mô hình như nuôi cá trong ao chỉ ở mức thâm canh tự phát với quy mô nhỏ hoặc dừng lại ở mức bán thâm canh hay kết hợp với vườn - ao - chuồng để tăng thu nhập. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn, thiếu giống; chất lượng con giống không ổn định, thị trường bấp bênh; kỹ thuật nuôi chưa cao…
Để các mô hình này phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người nuôi, thời gian tới, các ngành chức năng cần có chính sách đẩy mạnh phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn trên các diện tích ao, vùng đất ven sông với đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, rô phi đơn tính, cá lóc, trê và tôm càng xanh. Về lâu dài, định hướng cho người nuôi phát triển nhiều loại hình trên các vùng sinh thái, đa dạng hóa các loài thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.