Đổ nợ vì cá tra giống
Do lợi nhuận từ nuôi cá tra giống cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa nên chỉ trong thời gian ngắn, nông dân các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường) tự ý chuyển đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi cá.
Bên cạnh những hộ đạt lợi nhuận cao thì còn không ít hộ dân bị thua lỗ vì thời tiết không thuận lợi, cá bị nhiễm bệnh, ương không đạt.
Cách đây 6 tháng, thấy nông dân trên địa bàn đào ao ương cá tra giống có lời, ông Đỗ Tương Liêm, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh đào 1,3ha đất sản xuất lúa của gia đình sang nuôi cá. Ông Liêm buồn bã cho biết: "Thấy người ta nuôi cá có lời nên gia đình cũng nuôi theo, hy vọng có lời, nào ngờ lỗ trắng tay!".
Chỉ mới 2 vụ thả nuôi, ông Đỗ Tương Liêm, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh lỗ hơn 400 triệu đồng
Trong vụ đầu thả nuôi được khoảng hơn 40 ngày, ao cá tra giống của ông bỗng dưng đổ bệnh, chết hàng loạt, phơi bụng khắp ao. Đánh thuốc cấp tập xuống ao, nhưng tình trạng cá chết vẫn không dừng mà thậm chí còn chết nhiều hơn. “Đây là mùa đầu tôi ương cá tra giống nên không biết kinh nghiệm xử lý, nghe ai chỉ gì tôi làm theo nấy nhưng cá vẫn chết và tốn thêm tiền. Trừ các khoảng chi phí, vụ này lỗ gần 140 triệu đồng”, ông thổ lộ.
Cũng giống như vụ trước, vụ thứ 2 khi cá được hơn 40 ngày tuổi cũng nhiễm bệnh chết trắng ao. Trong vụ này, ông lỗ hơn 160 triệu đồng.
Chỉ trong 2 vụ thả nuôi, gia đình ông Liêm lỗ khoảng 300 triệu đồng, chưa kể chi phí đào ao, dụng cụ thả nuôi ban đầu hơn 120 triệu đồng. “Nợ nần chồng chất, gia đình quyết định bán 2ha đất sản xuất lúa để trả nợ. Hiện, ao cá đã treo hơn 1 tháng nay vì không dám thả nuôi tiếp. Bây giờ ai có nhu cầu tôi sẽ cho thuê, nếu không, tôi quay lại trồng lúa”, ông Liêm nói.
Còn anh Ngô Thanh Phong, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, mấy tháng qua không những chưa lấy được số tiền hơn 100 triệu vốn bỏ ra đầu tư đào ao mà anh còn lỗ hơn 50 triệu đồng sau 4 đợt ương cá không đạt. Theo anh, chi phí ban đầu mỗi đợt thả nuôi từ con giống, thuốc xử lý ao nuôi, xăng dầu,… bình quân từ 20 đến 30 triệu đồng/ha. Anh chia sẻ: “Giờ đi đến đâu cũng nghe nông dân ương cá than thở cá bị nhiễm bệnh, ương không đạt, giá cả bấp bênh, người dân thua lỗ nặng. Giờ còn nước còn tát, hy vọng những vụ tiếp theo gỡ vốn”.
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Trần Văn Trước cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân trên địa bàn đào hơn 1.100ha đất sản xuất lúa chuyển sang nuôi cá tra giống. Địa phương cũng khuyến cáo cần thận trọng vì nuôi cá giống rủi ro cao, nguy cơ thất bại rất dễ xảy ra nếu không nắm rõ kỹ thuật nhưng người dân cứ ồ ạt làm.
Theo số liệu thống kê của huyện Tân Hưng, đến nay, trên địa bàn huyện có 704 hộ nuôi cá tra giống với diện tích 1.292ha. Theo đánh giá của huyện trong thời gian qua, có khoảng 30% hộ nuôi có lời, 30% hộ nuôi huề vốn, 40% hộ bị lỗ.
Bỏ cá, lấp ao trồng lúa
Bây giờ, nhắc đến việc nuôi cá tra giống, ông Phạm Văn Mây, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh cảm thấy ngán ngẩm. Sau 2 lần thả nuôi, gia đình ông lỗ gần 300 triệu đồng.
Ông Mây cho biết, thấy những hộ dân trong ấp thả nuôi, ông cũng mạnh dạn chuyển 1,2ha đất sản xuất lúa của gia đình sang đào ao nuôi cá. Chỉ mới 2 vụ thả nuôi, gia đình lỗ gần 300 triệu đồng. Hện, trong số diện tích này, một nửa ông cho hộ khác thuê, phần còn lại ông thuê máy hơn 40 triệu đồng trả hiện trạng ban đầu để sản xuất lúa.
“Giờ không biết diện tích này có làm lúa được không vì trước đây thuê máy đào rất sâu mà giờ nuôi nữa thì tôi không dám”, ông Mây phân trần.
Tương tự trường hợp của ông Mây, anh T.N.Th. ở gần đó cũng vừa lấp 1 ao (diện tích 1ha) để sản xuất lúa.
Ông Phạm Văn Mây, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh quyết định lấp 6.000m2 đất chuyển lại trồng lúa
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến nông dân thua lỗ do thiếu kiến thức, kỹ thuật ương nuôi cá. Trong quá trình ương, người dân chủ yếu học tập kinh nghiệm lẫn nhau, không theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Người nuôi chưa hiểu về mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống.
Ngoài ra, không có ao xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường bên ngoài, thiếu hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản mà sử dụng chung hệ thống thủy lợi của sản xuất lúa. Nước thải được xả trực tiếp ra kênh, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh rất cao.
Thiệt hại về kinh tế hiện vẫn chưa kể hết. Hậu quả này được xác định do người dân phát triển ruộng nuôi tràn lan, mất kiểm soát nguồn nước, trong khi người nuôi chưa chuẩn bị đủ kiến thức cần thiết để chăm sóc con cá tra giống nhưng phần lớn lại thả với mật độ rất dày, cao hơn khuyến cáo từ 2 - 3 lần.
Mặc dù nhiều hộ dân nuôi cá bị thua lỗ nhưng nhiều ao nuôi cá mới vẫn tiếp tục hình thành
Nhu cầu con giống cá tra hiện tại chỉ cần khoảng 600ha là đủ cung cấp, trong khi chỉ riêng tỉnh Long An đã có trên 2.880ha (tập trung ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường). Sự chênh lệch cung - cầu này còn dẫn đến một nguy cơ khác là mất giá.
Nguy hiểm hơn, dù rất nhiều ao nuôi ương tỷ lệ không đạt, cá bị bệnh chết làm nông dân thua lỗ nhưng nhiều ao nuôi cá mới vẫn tiếp tục được hình thành.
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Trần Văn Trước khuyến cáo: “Người dân nên bình tĩnh, không nóng vội mà sản xuất nhiều vụ liên tục nên rủi ro về dịch bệnh rất cao. Do đó, cần chọn thời điểm thích hợp, tìm mối liên kết đầu ra để khi sản xuất có nơi tiêu thụ và giá ổn định”.
Với những gì đã và đang diễn ra thì rõ ràng, nông dân đang phải trả giá nặng nề từ những hệ lụy do việc nuôi cá tra tràn lan và tự phát dù đã được cảnh báo liên tục trước đó.