Bệnh vẫn xuất hiện
Đến nay, toàn tỉnh Long An thả nuôi 4.302ha tôm nước lợ, đạt 65,2% kế hoạch (6.600ha), trong đó, tôm sú 655,7ha, tôm thẻ chân trắng 3.646,3ha. Từ đầu năm 2018 đến nay, có 131,6ha tôm (tôm sú 24,6ha, tôm thẻ chân trắng 107ha) bị thiệt hại không thu hoạch được, chiếm 3,05% tổng diện tích thả nuôi. Trong tuần qua, có 3,4ha tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại. Nguyên nhân chủ yếu là tôm nhiễm bệnh đốm trắng, đường ruột và hoại tử gan tụy cấp tính.
Ông Nguyễn Văn Hiệp (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, dễ phát sinh dịch bệnh. Gia đình tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng nuôi gần 1ha tôm thẻ chân trắng. Khi được hơn 1 tháng tuổi, tôm bị bệnh gan tụy nên tôi phải thu hoạch sớm 0,4ha. Còn lại gần 0,6ha, được 45 ngày, ước tính khoảng 110 con/kg, nhưng hiện nay giá quá thấp, chưa chắc lấy lại được vốn”.
Người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi môi trường nước và tình hình thời tiết.
Gần 10 năm nuôi tôm, ông Mai Bá Lực (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) không ngờ năm nay lại gặp nhiều khó khăn như vậy. Ông Lực nói: “Người nuôi tôm hiện không có lời nhiều, thậm chí lỗ vì giá quá thấp. Vừa qua, tôi thu hoạch 0,3ha tôm thẻ chân trắng, lỗ trên 60 triệu đồng do tôm nhiễm bệnh. Tôi đang vệ sinh ao nuôi, vài tháng nữa mới thả nuôi lại để tránh phát sinh dịch bệnh”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin: “Trước đây, nuôi tôm rất hiệu quả. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ con tôm. Nhưng năm nay, giá tôm thấp cộng thêm phát sinh nhiều dịch bệnh nên người nuôi gặp không ít khó khăn. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương và ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn nông dân khử trùng ao nuôi, hỗ trợ thuốc xử lý nguồn nước, đồng thời yêu cầu xử lý ao theo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi, tái sản xuất nhằm tránh dịch bệnh. Hiện, toàn huyện thả nuôi 1.636ha tôm, trong đó, tôm thẻ chân trắng 1.400ha”.
Để nuôi tôm đạt hiệu quả
Chi cục Thủy sản thường xuyên tổ chức quan trắc chất lượng môi trường nước nuôi tôm nước lợ tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ.
Kết quả trong thời gian gần đây cho thấy, khi kiểm tra 8 chỉ tiêu thì có 4/8 chỉ tiêu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm như nhiệt độ, độ trong, hàm lượng oxy hòa tan, hàm lượng NH3. Một số chỉ tiêu chưa phù hợp để nuôi tôm như pH tại các điểm quan trắc bến đò Hựu Lộc, Cầu Nổi, ấp Hòa Quới (huyện Cần Đước) và điểm cống Rạch Tôm (huyện Châu Thành) thấp; độ mặn phần lớn tại các điểm quan trắc thấp, không thích hợp để nuôi tôm (dao động từ 0-2‰); độ kiềm trong môi trường nước phần lớn tại các điểm quan trắc thấp (dao động từ 21,8-65,4mg/l); hàm lượng NO2 tại điểm quan trắc cầu Ông Chuồng (huyện Cần Giuộc) cao (đạt giá trị 0,5mg/l).
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Phạm Phú Hùng cho biết: “Trước tình hình trên, ngành chức năng khuyến cáo các hộ nuôi tôm theo diễn biến thời tiết, chất lượng môi trường nước quan trắc, tình hình dịch bệnh. Nông dân có thể thả giống trong thời gian này nhưng nên hạn chế cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, phải sử dụng ao lắng và sử dụng chế phẩm sinh học để khử khí độc, tiêu diệt các mầm bệnh trong nước trước khi cấp vào ao nuôi; giữ mực nước ao nuôi từ 1,5m trở lên và tăng cường chạy quạt nhằm hạn chế sự phân tầng nhiệt độ nước và cung cấp oxy cho tôm. Tại các điểm quan trắc có độ kiềm thấp, cần nâng độ kiềm đạt 80-120mg/l bằng các sản phẩm: Dolomite, Alkaline kết hợp khoáng và vôi; bón vôi để tăng pH; tăng cường bổ sung vitamin, khoáng, giải độc gan và men đường ruột vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
Hiện nay đang vào mùa mưa, người nuôi tôm cần gia cố bờ ao cẩn thận để tránh hiện tượng rửa trôi phèn, bón vôi quanh bờ ao. Do mưa nhiều nên các yếu tố môi trường nước thường xuyên thay đổi. Vì vậy, người nuôi tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước và theo dõi tình hình thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời”.