Điều đáng mừng là từ tập quán nuôi thủy sản riêng lẻ theo từng hộ tự phát, hiện nay đã dần được tập hợp thành các hợp tác xã (HTX) thủy sản hướng đến chuỗi sản xuất, tiêu thụ và “dấn thêm một bước” là nuôi thủy sản sạch cung cấp cho thị trường cao cấp.
Từ sản xuất hộ gia đình
Thế mạnh nuôi thủy sản của huyện Long Hồ tập trung chủ yếu tại 4 xã cù lao. Tính đến cuối tháng 6, có 217 hộ nuôi cá với 1.382 lồng bè, chủ yếu là nuôi cá điêu hồng và cá tra, tăng 25 lồng bè so cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Trúc Giang- người nuôi cá điêu hồng ở xã An Bình- cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá cá ổn định ở mức tương đối cao nên người nuôi phấn khởi, bình quân mỗi ký cá điêu hồng lời khoảng 5.000đ”.
Nhiều nông dân ở các xã: Thạnh Quới, Phú Quới, Hòa Phú, Lộc Hòa và Tân Hạnh đang nuôi cá lóc trong vèo. Trạm Khuyến nông huyện cho biết, ước tổng sản lượng nuôi cá lóc là hơn 100 ngàn con.
Mỗi hộ nuôi từ 500- 1.000 con cá giống. Theo bà con nuôi cá lóc thì loại cá này khá đơn giản, đặc tính sinh trưởng và phát triển của chúng phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai vùng đồng bằng Nam Bộ. Sau khi mua cá giống về, người nuôi làm một cái vèo rồi thả nuôi.
Trung bình, 1.000 con cá nuôi trong diện tích 8- 12m2. Thức ăn rất dễ kiếm, chủ yếu là cua, ốc bươu vàng bằm nhuyễn. Những hộ nuôi cá cho biết thêm, ưu điểm của nuôi cá lóc trong vèo vừa tránh được hao hụt lại vừa dễ theo dõi, chăm sóc.
Để tăng thu nhập, gia đình ông Trần Ngọc Thành ở xã Thạnh Quới đã thả nuôi 1.000 con cá lóc trong mương vườn. Ông Thành tranh thủ thời gian đi bắt ốc bươu vàng và một số loại rau có sẵn ngoài vườn về cho cá ăn, để giảm chi phí đầu tư.
Sau gần 2 tháng thả nuôi, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch, giá cá lóc nuôi trên thị trường từ 36.000- 38.000 đ/kg. Nếu nuôi 1.000 con cá sẽ thu lời từ 4- 4,5 triệu đồng, tùy thời giá.
Ông Thành cho biết: “Mình tận dụng mương bỏ trống nuôi thả cá lóc tự nhiên như cá đồng rồi thêm thức ăn mình bắt ngoài đồng. Giá hiện khoảng 36.000 đ/kg, tính bổ đồng cứ 3 tấn cá mình lời được 1 tấn vậy hà”.
Đến kinh tế tập thể
Nuôi cá lóc trong vèo ở xã Phú Quới (Long Hồ).
Long Hồ đang định hướng phát triển nuôi thủy sản theo phương thức tập trung và quy mô. Nhờ vậy sản lượng thu hoạch tăng nhiều so với trước đây.
Đây được xem là kết quả đáng ghi nhận trong bước đầu thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2017- 2020.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, huyện Long Hồ tiếp tục phát triển nuôi thủy sản trên cơ sở tuân theo quy hoạch và có sự liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, mở rộng liên kết vùng, hỗ trợ xây dựng các nguyên liệu nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn. Vận động các hộ nuôi cá lồng bè theo hướng an toàn, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Điển hình là việc ra đời HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn, bước đầu đã đứng vững trên thị trường trong nước và đã bắt đầu có hướng xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc, Mỹ...
Xuất thân từ Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Tuấn- Giám đốc HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn- đã có “dính líu” với con cá hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, giờ đây sau hơn chục năm lăn lộn trong ngành thuốc thú y, thủy sản, ông Tuấn định hướng HTX theo cách làm ăn bài bản, bền vững mà điều cốt lõi là sản xuất sạch.
Theo ông, cá nhân ông nuôi cá sạch, không tồn dư chất kháng sinh trước khi sản phẩm của HTX được công nhận VietGAP và đó là tâm huyết, là cách để xây dựng được thương hiệu và thâm nhập thị trường một cách ổn định.
HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn chỉ mới thành lập được vài năm nhưng cho thấy hướng đi đúng và những dự tính của người đứng đầu HTX là câu chuyện dài thú vị hướng đến chuỗi phân phối lẻ với các điểm bán trực tiếp nguồn cá sạch tận tay người tiêu dùng, mà bước đầu là ở thị trường Vĩnh Long.
Ông Huỳnh Tuấn hẹn sẽ trở lại câu chuyện xây dựng các điểm bán cá sạch kết hợp các thực phẩm rau, thịt khác ở Vĩnh Long với rất nhiều tâm huyết.
HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn hiện có 8 xã viên nuôi cá lồng bè ở các xã An Bình, Hòa Ninh, riêng ở Phước Hậu là hộ Nguyễn Văn Hùng chuyên cung cấp cá giống cho HTX.
Việc cung cấp cá giống còn có ông Nguyễn Tấn Đạt kết hợp nuôi cá giống và cá thịt. Ước tính sản lượng khoảng trên 800 tấn/năm, chủ yếu là cá tra, cá điêu hồng.
Ông Huỳnh Tuấn cho biết, với nhu cầu thị trường ở Vĩnh Long mỗi năm phải trên 20.000 tấn cá thì nguồn cung địa phương còn khá khiêm tốn;
tuy nhiên, để đạt được sự ổn định, HTX hướng đến việc sản xuất sạch, an toàn xây dựng thương hiệu cung ứng cho thị trường cao cấp, đồng thời sẽ không ”bỏ trống” thị trường bán lẻ đến tay người tiêu dùng, đây hiện là nhu cầu rất lớn.
Nuôi thủy sản là thế mạnh của Long Hồ, trong đó chủ lực là con cá tra. Tuy nhiên, để người nuôi an tâm về thị trường, về giá thì rất cần hướng đến làm ăn lớn, bài bản.
Do đó, rất cần những con người đầu tàu, dẫn dắt bà con nuôi trồng khoa học và cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng những mô hình kinh tế tập thể đủ mạnh về nhân lực, tiềm lực có thể thâm nhập vào những thị trường rộng lớn hơn.
Hiện, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn đạt 263ha, trong đó cá tra nuôi theo hướng xuất khẩu 107ha, tăng 54%; sản lượng thu hoạch trong 6 tháng qua là 16.795 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra còn có 35 hộ nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: lươn, ếch, ba ba, cá heo, cá thác lác cườm, cá lóc.