Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Thủy sản thay thế Luật Thuỷ sản 2003 với cách tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thuỷ sản để bảo đảm phát triển bền vững của ngành, trong đó có một chương quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản…
Để triển khai Luật Thuỷ sản, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư 19/2018 ngày 15.11.2018 về hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 26 ngày 8.3.2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định 42 ngày 16.5.2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…
Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản - Bộ NNPTNT) cho biết: “Những năm qua, ngành thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển.
Những năm qua, Tổng cục Thủy sản tham mưu, trình Bộ NNPTNT có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm; tăng cường công tác thành lập và quản lý khu bảo tồn biển; hướng dẫn về công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm...
Thông qua đó, vấn đề tổ chức lại sản xuất gắn với trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của loài thuỷ sản vùng ven bờ được coi trọng và có hiệu quả tích cực.”
Nhiều mô hình đồng quản lý phát huy hiệu quả
Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 - Xuân Yên và Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3 - Xuân Liên thuộc huyện Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh được thành lập từ năm 2016. Tuy nhiên, do chưa được giao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn nhiều hạn chế.
Để phát huy vai trò quản lý cộng đồng, huyện Nghi Xuân vừa công nhận và giao quyền quản lý cho 2 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ nói trên theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8.3.2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Sau khi được giao quyền, các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ nói trên sẽ hoạt động trong phạm vi quyền được giao bao gồm: Tổ chức, quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý.
Các tổ đồng quản lý được tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm ngăn chặn hành vi vi phạm trong khu vực được giao quyền quản lý theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng; được tham vấn đối với dự án, hoạt động có liên quan trực tiếp đến hệ sinh thái hoặc nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quản lý...
Tích cực tái tạo nguồn lợi thủy sản
Những năm qua, tỉnh Sơn La và huyện Quỳnh Nhai đã thường quan tâm hoạt động thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản của nhân dân Tái định cư trên địa bàn. Năm 2020, đã tổ chức thả hơn 100.000 con cá giống gồm các loại cá như: Mè, cá trôi Mrigan, lăng và chép Việt. Đây là những loại cá có tính thích nghi cao và có thể phát triển tốt trong môi trường tự nhiên.
Cùng với việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ, UBND huyện cũng đã ban hành Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở các vùng mặt nước. Việc thả cá giống xuống hồ thủy điện Sơn La, góp phần bổ sung nguồn thủy sản, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển nghề cá.
Đồng thời tuyên truyền nhân dân tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ các bãi cá đẻ tự nhiên; tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm, góp phần phục hồi nguồn cá, đa dạng hóa các loại giống cá. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân, góp phần ổn định đời sống sản xuất cho các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn.